BCH Hội Nội tiết& Đái tháo đường tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III
BCH Hội Nội tiết& Đái tháo đường tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ III

PGS.TS Trần Thừa Nguyên, Tổng thư ký Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam cho biết, Hội Nội tiết & Đái tháo đường Thừa Thiên Huế là một trong những hội nghề nghiệp chuyên ngành Nội tiết- ĐTĐ- Rối loạn chuyển hoá được thành lập sớm trong toàn quốc cùng với Hội Nội tiết- ĐTĐ Hà Nội và Hội ĐTĐ- Nội tiết thành phố Hồ Chí Minh. Hội Nội tiết và Đái tháo đường tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 2242/QĐ-UBND ngày 28/11/2012 của UBND tỉnh  Thừa Thiên Huế. 

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã khẳng định vị thế trong chuyên ngành như: Tổ chức thành công thêm 05 kỳ HNKH Cố đô mở rộng về bệnh Nội tiết, ĐTĐ và Rối loạn chuyển hoá để trở thành “thương hiệu” mạnh thu hút nhiều bài báo cáo của các nhà nghiên cứu trong cả nước; tham gia tích cực công tác phòng chống và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; viết các khuyến cáo điều trị;…

GS.TS Trần Hữu Dàng (ngồi giữa)
GS.TS Trần Hữu Dàng (ngồi giữa)

Tại Đại hội Hội Nội tiết& Đái tháo đường tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 3- Nhiệm kỳ 2024- 2029 đã bầu ra BCH gồm 27 người, trong đó GS.TS Trần Hữu Dàng, đương kim Chủ tịch Hội nhiệm kỳ II được tín nhiệm tiếp tục bầu giữ chức Chủ tịch nhiệm kỳ III. 3 Phó chủ tịch là PGS.TS Trần Thừa Nguyên (phó chủ tịch thường trực), GS.TS Nguyễn Hải Thủy và BSCK2 Hoàng Thị Lan Hương.

PGS.TS Trần Thừa Nguyên

PGS.TS Trần Thừa Nguyên cho biết thêm, cùng với Đại hội, Hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 7 về Bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối lọan chuyển hóa có gần 400 BS và nhân viên y tế đến từ các bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (BV Nguyễn Tri Phương, BV An Bình, BV Vạn Hạnh, BV Nhà Bè, BVĐK Khu vực Thủ Đức, BV Bình Thạnh, BV quận 12,…), thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Đồng Nai (BV Long Khánh, BVĐK Đồng Nai, BV Trảng Bom, BV Thống Nhất Đồng Nai,…)., và sinh viên đến từ Trường Đại học Y- Dược, Đại học Huế; trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) tham dự.

Hội nghị đã nghe hơn 20 bài báo cáo của các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Huế,… là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Nội tiết- ĐTĐ, Tim mạch, Thận học,… hiện đang công tác trong các bệnh viện lớn của Việt Nam: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện FV thành phố Hồ Chí Minh,…trình bày

Theo Liên đoàn ĐTĐ Quốc tế (IDF), năm 2021 ước tính có 537 triệu người (20- 79 tuổi) mắc ĐTĐ và hơn 6,7 triệu người trong độ tuổi từ 20- 79 sẽ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến ĐTĐ. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18- 69, cho thấy tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 4,1%, tiền ĐTĐ là 3,6%, trong đó tỷ lệ ĐTĐ được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán là 69,9%. Gần đây, năm 2022, BV Nội tiết TW đưa ra là trên 7% người dân bị mắc ĐTĐ.

Bên cạnh, tần suất bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa là bệnh không lây nhiễm ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong mô hình bệnh tật, thì sự thay đổi trong việc tiếp cận bệnh cũng thay đổi theo xu hướng mới trên thế giới.

Trong khuôn khổ của Hội nghị, các BS, nhân viên y tế, sinh viên đã được Ban tổ chức triển khai khoá “Cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh” (CME) gồm các chuyên đề: Cải thiện tiên lượng Tim mạch - Thận - Chuyển hóa khi khởi trị ức chế SGLT2 cho BN ĐTĐ típ 2; Đề kháng insulin & biến chứng tim mạch trong ĐTĐ típ 2: Tiếp cận điều trị hiện nay hoặc các chuyên đề liên quan bệnh lý nội tiết- rối loạn chuyển hoá: Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư giáp hoặc Cập nhật quản lý tiền đái tháo đường. Đây là các chuyên đề rất hữu ích cho các bác sĩ, nhân viên y tế đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại các tuyến y tế từ cơ sở cho đến các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh.

                                                                                                                                                     Trần Minh Tích