Quang cảnh hội thảo
Trong báo cáo tham luận, ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930), trong thời gian ngắn đã có ít nhất 25 tờ báo thuộc hệ thống tổ chức từ Xứ ủy Trung Kỳ, Nam Kỳ, nhiều tỉnh ủy, tổ chức quần chúng… lần lượt ra đời, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống ách đô hộ của thực dân Pháp.
Tại Huế, những tờ báo cách mạng xuất bản công khai như Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương Tục Bản… đều lần lượt bị cấm hoạt động. Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung kỳ đã vận động các nhà báo, nghị viên dân biểu tiến bộ là các ông Nguyễn Trác, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các đứng tên xin phép ra tờ báo Dân. Ngày 26/3/1938, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho thành lập.
Tuy trên măng sét Tuần báo Dân ghi là Tiếng nói của cơ quan liên hiệp tất cả các lực lượng cấp tiến trong xứ, nhưng thực chất báo Dân là cơ quan ngôn luận hợp pháp của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ. Nội dung chính, do đồng chí Phan Đăng Lưu, Xứ ủy viên Trung Kỳ trực tiếp chỉ đạo; số 1 ra ngày 6/7/1938. Tham gia Ban Biên tập, có các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Bùi San, Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Tôn Quang Phiệt, Trịnh Xuân An, Lê Bồi và sau vài số, bổ sung thêm đồng chí Tố Hữu…
Nhà báo Dương Phước Thu, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế cho biết, qua các tài liệu nghiên cứu, báo Dân là tờ báo công khai khổ lớn đầu tiên ở Huế và của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ. Báo Dân, đặt trụ sở tại 11 Doudart de Lagrée, TP. Huế (nay là 61 Trần Thúc Nhẫn, trụ sở của báo Thừa Thiên Huế hiện nay). Báo Dân có số lượng ban đầu là 5.000 tờ, phát hành trong cả nước. Báo ra được 17 số, đến ngày 7/10/1938 thì bị đóng cửa.
Tham luận tại hội thảo, nhà báo Nguyễn Đình Nam, Trưởng phòng Văn hóa xã hội - báo Thừa Thiên Huế cho biết, nối tiếp dòng chảy cách mạng, tháng 5/1976, ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị) hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định hợp nhất các tờ báo của 3 địa phương trước kia là Thừa Thiên Huế giải phóng, Quảng Trị giải phóng, Quảng Bình và Thống Nhất thành tờ báo Dân. Và tờ báo Dân này đã tồn tại trong 10 năm (từ 1/5/1976 đến 21/6/1985) thì đổi tên thành báo Bình Trị Thiên. Trong 10 năm xuất bản, báo Dân sau giải phóng phát hành được 1.110 số.
Phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho rằng, trong dòng chảy của báo chí cách mạng, đang nổi lên vấn đề “ trước đây báo chí là vũ khí tuyên truyền của Đảng, của cách mạng, nay các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước chỉ quan tâm báo chí có viết tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng hay không và có viết chi về mình hay không…”.
Và ông kết luận: “Khi chúng ta nắm truyền đơn thì nắm báo chí; còn nay nắm khuôn dấu thì không nắm báo chí - Đây là thực tế cần quan tâm để báo chí cách mạng đi đúng hướng".
Ông Nguyễn Khoa Điềm phát biểu tại hội thảo 80 năm báo Dân
Kết luận hội thảo, Ông Nguyễn Thái Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định: Báo Dân đã góp phần quan trọng vào thành quả chung của báo chí cách mạng Thừa Thiên Huế và miền Trung, làm nên diện mạo của một nơi từng là trung tâm báo chí của cả nước. Khẳng định vai trò của báo Dân trong dòng chảy báo chí cách mạng, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về quản lý và phát huy vai trò định hướng của báo chí vẫn luôn là vấn đề có ý nghĩa thời sự.
Trần Minh Tích