Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cứu trợ người dân trong lũ lụt
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cứu trợ người dân trong lũ lụt

Báo  cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương thông tin về tình hình mưa lũ tại Thừa Thiên Huế những ngày qua. Theo đó, từ ngày 13 - 16/11/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng, kéo dài gây ngập lụt nhiều nơi. Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 600-1.100mm, có nơi cao hơn như: Xuân Lộc, Phú Lộc 1.305mm; Thủy điện Bình Điền-Hương Trà 1.237mm, Thủy Điện Rào Trăng 1.150mm; Vườn Quốc gia Bạch Mã 1.128 mm.

Đường lên A Lưới bị sạt lỡ
Đường lên A Lưới bị sạt lỡ

Đối với ngập úng, tại thành phố Huế có 85% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập nước. Đến chiều tối ngày 16/11 nước trên triền sông xuống, mức ngập giảm dần. Tuyến đường Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh bị ngập úng nhiều vị trí; các tuyến Tỉnh lộ: ngập sâu từ 0,4m đến 1m, một số nơi ngập sâu hơn 1,5m...

Xuyên đêm di dời dân
Xuyên đêm di dời dân

Riêng công tác di dời dân tại các vùng xung yếu, tỉnh đã có kế hoạch và triển khai từ sớm, ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, ngành giáo dục chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học; có phương án đảm bảo nguồn điện, nước ngập đến đâu cắt đến đó, nước rút đến đâu nối điện đến đó, ưu tiên nguồn điện cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cơ sở y tế, bệnh viện, nhà máy cấp nước sinh hoạt; đảm bảo an toàn cho du khách, tàu thuyền, thông tin liên lạc, huy động lực lượng.

Hiện nay, tình hình khá ổn định, tại những khu vực nước rút, chính quyền cùng người dân đang tập trung dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Thừa Thiên Huế đang tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, điều tiết việc vận hành hồ đập hợp lý.

Nhiều tổ chức từ thiện, hội đoàn thể tổ chức cứu trợ người dân khi nước vừa hạ xuống
Nhiều tổ chức từ thiện, hội đoàn thể tổ chức cứu trợ người dân khi nước vừa hạ xuống

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang  chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang đối mặt, chia sẻ cùng gia đình có nạn nhân chết và mất tích do mưa lũ. Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao công tác ứng phó mưa lũ của tỉnh; lưu ý về việc thực hiện tốt công điện 1095 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đời sống cho người dân.

Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh mong muốn được hỗ trợ thêm thiết bị để phòng chống lụt bão, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các bộ ngành Trung ương cần phối hợp với tỉnh để rà soát, tìm ra giải pháp tốt nhất.

Được biết, liên quan đến trận mưa lũ này, ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nói lũ ở sông Bồ và Hương cao nhất trong 10 năm qua và lớn thứ năm trong 30 năm gần đây.

Cụ thể, lũ sông Bồ đạt đỉnh 5 m lúc 17h ngày 15/11, tức chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 1999 là 0,27 m. Lũ sông Hương đạt đỉnh 4,34 m lúc 19h30 cùng ngày, thấp hơn đỉnh 1999 là 1,47 m.

Công an Thừa Thiên Huế đưa người dân đi cấp cứu trong lũ lụt
Công an Thừa Thiên Huế đưa người dân đi cấp cứu trong lũ lụt

Lũ lên nhanh và rút nhanh nên không gây ngập kéo dài và thiệt hại lớn như trận lụt lịch sử năm 1999. Thống kê ban đầu, đến nay, Thừa Thiên Huế ghi nhận 3 người chết. Trong khi trận lụt năm 1999, toàn tỉnh có 352 người chết, 21 người mất tích, 900.000 dân bị thiếu đói nhiều ngày.

Lý giải vì sao Thừa Thiên Huế lũ lớn, chuyên gia khí tượng cho biết địa phương này là tâm mưa của miền Trung. Từ ngày 13 đến 16/11, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh và nhiễu động gió đông trên cao, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa mưa phổ biến 200-400 mm; Quảng Trị - Quảng Ngãi 300-600 mm. Lượng mưa lớn, những do làm tốt công tác vận hành liên hồ điều tiết nước xã lũ những ngày trước đó nên góp phần giảm lũ và ngập lụt cho hạ du.

                                                                                                                                  Trần Minh Tích