Chủ động trong thực hiện chính sách

Quý I năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ vào kết quả hoạt động tốt của các lĩnh vực sản xuất và sự phục hồi từng bước của ngành du lịch. Dẫu vậy, mức tăng trưởng này vẫn được coi là thấp hơn so với kỳ vọng vì dịch bệnh kéo dài 3 năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của doanh nghiệp và người lao động. Trong tổng số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 0,9 triệu người bị mất việc, 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Đối với doanh nghiệp, đại dịch Covid-19 cũng gây ra tình trạng thiếu hụt người lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành phố. Riêng trong Quý 1/2022, tỷ lệ thiếu hụt lao động đã cao hơn 2-3% so với những năm trước và chủ yếu trong các lĩnh vực dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài ngày như du lịch và giáo dục...

Chính vì vậy nên nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyển dụng để khôi phục sản xuất – kinh doanh, và thống kê của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho thấy, có đến 75% nhu cầu tuyển dụng là lao động phổ thông và lao động không yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ. Tuy nhiên, về mặt lâu dài, việc tuyển dụng lao động không có tay nghề sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thậm chí còn có thể gây mất an toàn lao động và thiệt hại cho cả hai bên.

Tại Hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/07/2021 của Chính phủ" do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 18/05/2022, ông Nguyễn Văn Thân- Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay: Ngay từ đầu tháng 07/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đón nhận hết sức tích cực, và cho đến nay, sau gần 10 tháng triển khai, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo kỹ năng nghề và cấp chứng chỉ có giá trị pháp lý cho người lao động.

“Với trách nhiệm là các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau dịch Covid-19, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng sẽ trao đổi với các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị để làm sao có thể có biện pháp hỗ trợ sớm nhất có thể”, ông Thân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu khai mạc
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Còn theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), dịch bệnh gây ra những tổn thất và thiệt hại lớn đến nền kinh tế xã hội và doanh nghiệp trong nước. Bối cảnh đặt ra nhiều thách thức, trong đó là thiếu hụt nguồn lao động thậm chí là đứt gãy chuỗi lao động, trầm trọng hơn là thiếu hụt kỹ năng lao động. Trong bối cảnh vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, tuy nhiên hiệu quả đến nay còn chưa cao. Thực tế, số lượng doanh nghiệp tham gia so với con số doanh nghiệp được kì vọng còn thấp.

Bà Nguyễn Thị Bích Điệp, Quản lý Hợp phần Cải thiện môi trường kinh doanh, Dự án USAID LinkSME chia sẻ: "Đại dịch ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra trong nhiều ngành nghề. Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (LinkSME) góp phần đẩy nhanh xu hướng này thông qua tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp đầu chuỗi trong nước. Thông qua Dự án USAID LinkSME, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác để đồng hành cùng doanh nghiệp". 

Phối hợp giải quyết thủ tục nhanh chóng, hiệu quả

Tại phiên tọa đàm của Hội thảo, đại diện các đơn vị đã cùng nhau trao đổi và giải đáp thắc mắc xung quanh các chính sách được thực hiện trong Nghị quết 68 của Chính phủ.

Hiện nay, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ về chính sách cũng như quy trình, thủ tục đăng ký tham gia nhận hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nghề theo Nghị quyết 68. Chính vì vậy, mở đầu phiện thảo luận, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cung cấp một số thông tin: "Chính sách được đưa ra nhằm giúp người sử cụng lao động chủ động thích ứng với sản xuất kinh doanh. Điều kiện để tham gia là đơn vị sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội trên 12 tháng, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đối tượng hưởng chính sách là cơ quan nhà nước, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình,.. Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/ tháng, tối đa 6 tháng chi trực tiếp cho cơ sở đào tạo. Hồ sơ để nhận chính sách bao gồm: Văn bản thay đổi cơ cấu kinh doanh, phương án đào tạo, văn bản đề nghị hỗ trợ, xác nhận của Bảo hiểm xã hội. Để được hỗ trợ, cơ quan sử dụng lao động nộp hồ sơ lên Sở Lao động &Thương binh- Xã hội xem xét. Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ xem xét và chuyển kinh phí cho người sử  dụng lao động, sau đó người sử dụng lao động sẽ trao kinh phí cho cơ sở đào tạo. Quy trình kéo dài tối đa 12 ngày" .

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bà Bùi Thị Kim Loan - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho biết: "Chúng tôi đã ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức các hội nghị trực tuyến để triển khai thực hiện tới tận cấp huyện, cùng với đó, chỉ đạo phối hợp, tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục. Cùng với đó, thành lập ban chỉ đạo, tổ thường trực, cử tổ công tác tới tận cơ sở để tiếp nhận giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp và đơn vị có nhu cầu".

Tại phiên thảo thuận, ông Trương Anh Dũng đưa ra nhận xét: “Vấn đề đầu tiên doanh nghiệp gặp phải là không có đủ thông tin đầy đủ và kịp thời. Thứ hai là không kết nối được cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý. Chính các cơ sở đào tạo dường như cũng rất ngại đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng chỉ đặt nhiệm vụ khôi phục sản xuất kinh doanh lên hàng đầu. 3 điều này là nguyên nhân khiến việc triển khai chính sách gặp khó khăn”.

Phiên thảo luận đã được lắng nghe rất nhiều ý kiến có tính chuyên môn cao và tâm huyết từ các chuyên gia và doanh nghiệp về góc nhìn của mình trong việc triển khai hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Ngay sau Hội thảo, Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu và chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức hướng dẫn ngay cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình đào tạo nghề. Đối với các doanh nghiệp đã đủ điều kiện, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng, hiệu quả. Còn đối với các doanh nghiệp “gần” đủ điều kiện sẽ được các cơ quan hướng dẫn cách thức để đạt điều kiện nhận hỗ trợ.

Trần Nguyên