Thời gian qua, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có nhiều khởi sắc, như chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) có sự cải thiện thứ hạng, cùng sự ra đời của các Trung tâm đổi mới sáng tạo ghi dấu ấn đã thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều khái niệm về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sử dụng chưa thống nhất dẫn tới chưa đồng bộ hoặc hiểu sai bản chất trong công tác quản lý điều hành, xây dựng chính sách.
Phát biểu kết luận tọa đàm “Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các tổ chức đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Minh tổng kết một số nội dung đã được trao đổi và thống nhất với ý kiến của các đại biểu tham dự, theo đó:
Thứ nhất, mặc dù có sự giao thoa, nhưng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo là khác nhau và cần phân biệt để có các ứng xử phù hợp về quản lý nhà nước, theo đó: đổi mới sáng tạo được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi từ tri thức, công nghệ thành sản phẩm cụ thể, đổi mới sáng tạo không nhất thiết phải từ hoạt động nghiên cứu và phát triển mà còn từ phổ biến kinh nghiệm, kiến thức của người dân nhưng không thể tách rời KH&CN. Đối tượng chính để thực hiện đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên để thực hiện đổi mới sáng tạo hiệu quả và có tác động lan toả, doanh nghiệp cần được kết nối với các tác nhân khác của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 sẽ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chưa từng có, do đó cần có hành lang pháp lý đặc thù và cơ chế liên ngành để có giải pháp ứng xử phù hợp; khởi nghiệp sáng tạo tập trung vào tinh thần kinh thương với hoạt động chính là gọi vốn hoặc IPO để đầu tư, tạo ra mô hình, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới nhưng chưa có hoạt động sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường. Khởi nghiệp sáng tạo có thể do nhóm, cá nhân hoặc có thể thực hiện dưới "vỏ mượn" của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Hiện nay khởi nghiệp sáng tạo đang được "gửi gắm" vào luật SME, dẫn đến "hiểu nhầm" khởi nghiệp là SME với các ứng xử chưa phù hợp. Do đó, cần có khung khổ pháp lý riêng cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như cần có các hub để gắn kết khởi nghiệp sáng tạo với doanh nghiệp cũng như với các các nhân tố khác của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ hai, hiện nay, có nhiều định danh được sử dụng cho các đối tượng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo dẫn đến sự thiếu thống nhất. Hơn nữa, các tổ chức mới chỉ được quy định về thành lập chứ chưa có quy định về quản lý hoạt động và các chính sách ưu đãi. Điều này đặt ra sự cần thiết phải có quy định chung nhằm xác định, thống nhất chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, cần bổ sung các quy định về việc theo dõi, đánh giá, xác nhận để các tổ chức được hưởng các ưu đãi phù hợp và chính đáng.
Thứ ba, Bộ KH&CN ủng hộ và khuyến khích các bộ, ngành, địa phương hình thành và phát triển các tổ chức đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Là cơ quan được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo (tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP), Bộ KH&CN có trách nhiệm nhìn nhận tổng thể các vấn đề quản lý nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó NIC và các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia của các ngành, lĩnh vực đóng vai trò nòng cốt. Để thực hiện trách nhiệm này, Bộ KH&CN đã có báo cáo trình Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho cả hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trong đó ưu tiên cho các đối tượng đặc thù, trọng tâm như NIC. Trong thời gian tới, với vai trò chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách chung cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Bộ KH&CN sẽ chủ trì và mong muốn nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy sự hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Minh Anh