Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nguyễn Hoàng Linh.

Xin ông cho biết ý nghĩa của thông điệp “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững”?

Việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia, được coi như một giải pháp giúp chuyển đổi từ sử dụng năng lượng truyền thống sang sử dụng năng lượng xanh, tạo dựng nhận thức chung của các bên liên quan từ Chính phủ, các nhà làm luật, các nhà khoa học, các nhà quản lý, đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân.

Từ đó, hướng tới việc hạn chế sử dụng các năng lượng truyền thống, tập trung tìm kiếm sử dụng tiêu chuẩn như một công cụ, giải pháp để có thể nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh, phục vụ cho mục tiêu phát triển của Việt Nam, cũng như phục vụ một trong 17 mục tiêu của LHQ về phát triển bền vững.

Theo ông, chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang sử dụng năng lượng xanh, đang đặt ra những yêu cầu gì?

Chuyển đổi không phải là việc đơn giản, đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan, các yêu cầu về trang thiết bị, khí phát thải, mức giới hạn của khí phát thải các chất thải; đặt ra các yêu cầu sử dụng công nghệ như thế nào để có thể giúp hạn chế được việc sử dụng năng lượng truyền thống và sử dụng các công nghệ tốt hơn, để giảm thiểu các khí nhà kính có khả năng gây tác động đến môi trường, có khả năng tạo ra biến đổi khí hậu.

Do vậy, cũng không đơn giản, dễ dàng ban hành được tiêu chuẩn ngay, việc này cần sự hưởng ứng của cộng đồng DN, đặc biệt là các ngành công nhiệp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, cũng như sử dụng các công nghệ, năng lượng tái tạo, năng lượng gió hay các thiết bị hấp thụ năng lượng tham gia vào quá trình chuyển đổi.

Cần có sự chung tay của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng DN trong việc xây dựng nên các tiêu chuẩn - công cụ giúp mọi người hiểu biết nhanh hơn, rõ hơn, hấp thụ các công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Việc hướng tới thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững, đang được thực hiện đến đâu?

Liên quan vấn đề này, trong những năm qua, Việt Nam đã chú trọng việc xây dựng, phát triển các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hướng tới sự hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xây dựng được gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tỷ lệ hài hòa khoảng 61% so với các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam đang đứng trong Top đầu của ASEAN về số lượng xây dựng tiêu chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, về năng lượng xanh, chúng ta đã xây dựng được gần 850 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cũng như quy chuẩn địa phương phục vụ cho quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với thông điệp “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững” - thời gian qua, chúng ta đã tập trung xây dựng được hơn 200 tiêu chuẩn liên quan. Điều này, thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau từ bộ tiêu chuẩn, làm sao quản lý năng lượng một cách hiệu quả, tiết kiệm như bộ tiêu chuẩn ISO 50.000 hay bộ tiêu chuẩn 14.000 liên quan đến KH&CN, môi trường.

Đồng thời, xây dựng các hệ thống quản lý môi trường, các nhãn sinh thái để khuyến khích cộng đồng DN sản xuất ra sản phẩm có thể tiết kiệm nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, nhưng vẫn đạt được hiệu năng của các trang thiết bị mà người tiêu dùng mong muốn.

Đối với các phương tiện giao thông, thói quen sử dụng các năng lượng truyền thống như xăng dầu, có xu hướng giảm (trên thế giới, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông dùng điện năng, tức là năng lượng có thể tái tạo được). Việt Nam đang tập trung xây dựng các nhóm tiêu chuẩn để hỗ trợ cho quá trình phát triển các phương tiện giao thông sử dụng điện năng.

Ở đây, đặt ra một loạt vấn đề: Vậy để thay vì các trạm xăng, giờ tiêu chuẩn đối với các trạm sạc điện, trụ sạc điện như thế nào để thống nhất, tạo điều kiện cho các xe điện phát triển, nhưng cũng tạo điều kiện cho người dân dễ dàng sử dụng thuận lợi hơn so với các loại khác?

Việc này, đòi hỏi chúng ta ngồi lại cùng nhau, hấp thụ các tinh hoa của thế giới trong việc xây dựng các tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh; đồng thời chung tay cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý, cộng đồng DN cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn - phục vụ hơn ai hết là cho chính Việt Nam trong thời gian tới.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững
Thúc đẩy sử dụng năng lượng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững.

Ông có thể chỉ ra những thuận lợi và khó khăn khi sử dụng bộ tiêu chuẩn về năng lượng xanh?

Sẵn có tiêu chuẩn - sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều DN, đơn vị, tổ chức có thể tiếp cận một cách nhanh nhất; sử dụng các tiêu chuẩn để phát triển công nghệ, cũng như phát triển các cách thức quản lý để giảm khí thải, hoặc giảm tác động so với sử dụng năng lượng truyền thống.

Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn, vì đây là lĩnh vực mới, không dễ để có thể có tri thức, kinh nghiệm hoặc yêu cầu để tiếp cận với thế giới. Việc này, đòi hỏi chúng ta phải tìm hiểu, lựa chọn, định hướng các nhóm tiêu chuẩn nào có thể phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho cộng đồng DN.

Từ đó, chúng ta có thể xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với mục đích sử dụng của tất cả các bên liên quan (Chính phủ, các bộ ngành, cộng đồng DN và người dân…).

Vây, định hướng thúc đẩy xây dựng chiến lược tiêu chuẩn nói chung và tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới là gì?

Chính phủ giao Bộ KH&CN, trực tiếp là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tổ chức triển khai để xây dựng chiến lược tiêu chuẩn, tiêu chuẩn hóa quốc gia, nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (đang trong quá trình đánh giá tác động, thu thập ý kiến của các nhà khoa học, cộng đồng DN và người dân).

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung nghiên cứu để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phục vụ cho các nhóm sản phẩm hàng hóa, góp phần thúc đẩy chất lượng, uy tín của sản phẩm, từ đó thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đặc biệt, với chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh” - chúng ta tập trung lựa chọn/định hướng để xây dựng các nhóm tiêu chuẩn phục vụ cho các giải pháp năng lượng xanh cùng với các nhóm, các tiêu chuẩn mang tính chất truyền thống để sẵn sàng cho cộng đồng DN sử dụng...

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thu (Thực hiện)