Tham dự buổi Lễ có ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), trên 200 đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục TCĐLCL tỉnh/thành phố.
Trong những ngày này, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ba tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới là ISO, IEC, ITU cùng tổ chức kỷ niệm với các hình thức phong phú đa dạng khác nhau. Hoạt động này một mặt nhằm tôn vinh lợi ích to lớn của tiêu chuẩn trong đời sống kinh tế xã hội trên toàn cầu, mặt khác nhằm khích lệ lôi cuốn mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, mọi thành phần và mọi tổ chức cá nhân tham gia tích cực hơn vào hoạt động tiêu chuẩn hoá.
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, chúng ta đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chủ đề Ngày Tiêu chuẩn thế giới “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” được đưa ra từ năm 2021 như một hành trình kéo dài nhiều năm, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc cung cấp những công cụ hữu hiệu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Năm 2022 là về hành động và thúc đẩy thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh hành động về môi trường và khí hậu. Một tương lai tốt đẹp hơn được truyền cảm hứng từ các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời định vị các tiêu chuẩn là công cụ giúp chúng ta đạt được điều đó. Mục tiêu là đến năm 2030, các tiêu chuẩn được coi là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Hãy xây dựng dựa trên những nền tảng vững chắc đã có vào năm ngoái và thúc đẩy việc biến tầm nhìn chung của chúng ta thành hiện thực.
Hưởng ứng thông điệp này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan về những đóng góp của tiêu chuẩn đối với các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, kêu gọi các bên cùng hợp tác, chia sẻ tầm nhìn chung để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó mỗi cá nhân, tổ chức phải cùng tham gia, đồng hành để đất nước có thể nhanh chóng khôi phục lại mọi thứ tốt đẹp hơn sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Hiện nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.500 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu. Trong hệ thống hiện hành, có trên 200 TCVN phục vụ năng lượng xanh bao gồm: năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, nhiên liệu sinh học, quản lý năng lượng, quản lý môi trường - khí nhà kính, nhãn môi trường, tái sử dụng nước, thu giữ, vận chuyển CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng,…
Liên hiệp quốc đã công bố năng lượng là nhân tố chính gây ra biến đổi khí hậu, chiếm 60% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hơn 1,2 tỷ người trên thế giới không được sử dụng điện, nhưng sản lượng năng lượng trên thế giới đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ tăng lên đến 30% vào năm 2030.
Hơn nữa, trái đất đang nóng lên với tốc độ chưa từng có, phần lớn là do các khí nhà kính do con người tạo ra đang gây ra sự tàn phá đối với khí hậu của chúng ta. Tăng cường hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới đồng thời đóng góp vào các mục tiêu toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải cacbon. Tiêu chuẩn chính là những công cụ hữu hiệu giúp đạt được mục tiêu này.
Lễ kỷ niệm cũng là dịp để cơ quan tiêu chuẩn quốc gia chia sẻ về định hướng chiến lược tiêu chuẩn hóa từ nay đến 2030, trong đó bao gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển hạ tầng kết nối, cơ sở dữ liệu; rà soát xác định sản phẩm chủ lực, trọng điểm của quốc gia, địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về hiệu quả của hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Trong Lễ Kỷ niệm có phần truyền tải thông điệp của ông Sergio Mujica, Tổng thư ký tổ chức ISO. Các tham luận tập trung vào vai trò của tiêu chuẩn đối với các mục tiêu phát triển bền vững, xu thế chuyển dịch năng lượng quốc tế và trong nước, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy năng lượng xanh,…
Lễ Kỷ niệm còn là dịp để Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL tri ân các Trưởng Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia đã có những cống hiến và đóng góp tích cực cho hoạt động của Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia và hoạt động tiêu chuẩn hóa nói chung. Các Trưởng ban được vinh danh dịp này là PGS.TS Bùi Hải Triều - Trưởng Ban kỹ thuật TCVN/TC 23 Máy kéo và máy dùng trong nông lâm nghiệp; Tiến sỹ Bùi Chương - Trưởng ban kỹ thuật TCVN/TC 122 Bao bì; GS.TS Hoàng Đình Hòa - Trưởng Ban kỹ thuật TCVN/TC/F9 Đồ uống; Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên - Trưởng tiểu Ban kỹ thuật TCVN/TC/E1/SC5 Hiệu suất năng lượng; Kỹ sư Cao Thị Vân Điểm - Trưởng tiểu Ban kỹ thuật TCVN/TC210/SC2 Trang thiết bị y tế.
Minh Anh