Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nghiên cứu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo phạm vi chức năng và thẩm quyền của mình.

Cần sớm xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình khai thác năng lượng tái tạo trên biển. Ảnh minh họa, nguồn internet
Cần sớm xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình khai thác năng lượng tái tạo trên biển. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật công trình trên biển, bao gồm các công trình khai thác năng lượng tái tạo trên biển.

Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành và địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương ven biển tổ chức việc phân định ranh giới hành chính trên biển trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 75/BC-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo năm 2021.

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2021, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Đồng thời, với sự xuất hiện và bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tác động không nhỏ đến công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình năng lượng tái tạo trên biển. Ảnh minh họa, nguồn internet
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình năng lượng tái tạo trên biển. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan và chính quyền 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển… công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã được triển khai tích cực và đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Tuy nhiên việc quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo còn một số khó khăn, vướng mắc như: thiếu chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong khi dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính riêng trong lĩnh vực này chưa được Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động lấn biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội do Nghị định quy định về hoạt động lấn biển đang trong quá trình triển khai xây dựng; thiếu các quy định kỹ thuật chuyên ngành làm cơ sở xác định diện tích công trình trên biển khi giao khu vực biển đối với các dự án khai thác năng lượng gió trên biển; cơ chế kiểm tra, giám sát trong quá trình nhận chìm chưa được phân định rõ ràng do chủ dự án thực hiện, chịu trách nhiệm hoặc các cơ quan quản lý nhà nước giám sát độc lập…

Hoàng Thăng (t/h)