Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành và UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tăng cường, phối hợp đồng bộ, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, quy hoạch.

Cụ thể, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra tình trạng hàng nghìn dự án sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chậm trễ triển khai. Theo số liệu báo cáo gần nhất của 48 tỉnh, thành phố cho thấy có đến 3.088 dự án, công trình chậm triển khai thực hiện, với tổng diện tích 80.453,2ha, trong đó có 2.067 dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất nhưng không sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng, tổng diện tích 60.332,1ha.

Đơn cử tại Hà Nội, số liệu báo cáo từ Sở TN&MT Hà Nội, toàn thànhg phố có tới trên 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Chủ tịch TP Hà Nội đã yêu cầu đến hết tháng 10/2022 cần có các kết quả rà soát cụ thể, phương án xử lý của từng dự án chậm triển khai. Trên cơ sở đó, Tổ công tác liên ngành thành phố đã tổ chức làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại dự án.

Cụ thể, đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, sau Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND của HĐND TP, Sở tiếp tục báo cáo UBND thành phố chấm dứt hoạt động dự án theo quy định đối với 7 dự án. Tính luỹ kế kết quả xử lý đến nay 68 dự án đã xử lý xong.

Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sau Nghị quyết số 04/NQ-HĐND, TP đã tiếp tục xử lý đối với 28 dự án.

Tính luỹ kế kết quả xử lý đến nay, có 213 dự án đã xử lý xong. 191 dự án còn lại, Tổ công tác liên ngành thành phố đã tổ chức làm việc trực tiếp với từng quận, huyện, thị xã để phân loại thành 9 nhóm và phân công các sở, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương thực hiện.

173 dự án, do UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đề xuất xử lý, Tổ công tác liên ngành thành phố đã làm việc trực tiếp với UBND quận, huyện, thị xã để rà soát cụ thể từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật theo giai đoạn. Sở TN&MT đã có kết quả phân loại, phân công thực hiện xử lý theo 7 nhóm cụ thể.

Phương Thảo