Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá có tổng chiều dài 91,6 km; trong đó tuyến trên địa bàn Thanh Hoá có chiều dài 74,4 km, lần lượt qua thị xã Nghi Sơn và 5 huyện Như Thanh, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn và Thiệu Hóa. Dự án được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia giao cho Ban Quản lý các công trình điện miền Trung làm chủ đầu tư.

Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và Ban Quản lý các công trình điện miền Trung đang khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý.

Chiều 23/6, ông Mai Xuân Liêm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành tỉnh Thanh Hoá đã làm việc với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia về việc thực hiện thủ tục đầu tư Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá.

Nhằm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, bổ sung giải trình các ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm sớm thông qua hồ sơ chủ trương đầu tư để trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đề nghị tỉnh Thanh Hóa bổ sung một số nội dung vào hồ sơ pháp lý, như:

Bổ sung thỏa thuận hướng tuyến dự án tại Thanh Hóa phù hợp với tên dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 (QHĐ8) và chiều dài tuyến; đánh giá sự phù hợp của dự án với QHĐ8 và quy hoạch tỉnh; đánh giá sự phù hợp dự án với quy hoạch sử dụng đất (đất năng lượng) cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn; văn bản của địa phương về bảo đảm chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa; triển khai thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng (CMĐSDR) dự án theo quy định; xem xét và có ý kiến về việc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia không vi phạm pháp luật về đất đai đối với dự án.

Sau khi nghe đại diện các sở, ngành thảo luận, trao đổi các nội dung liên quan đến các vấn đề thủ tục triển khai dự án và kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm nhấn mạnh: Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá là dự án trọng điểm, hướng tới mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu điện tại miền Bắc vào mùa hè năm 2024.

Việc đầu tư dự án, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng điện cho miền Bắc, mà tỉnh Thanh Hóa cũng được hưởng lợi; do đó, về mặt hợp tác thủ tục đầu tư, tỉnh Thanh Hóa sẽ có những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ để dự án sớm đi vào giai đoạn triển khai.

Trên cơ sở các đề xuất về thủ tục pháp lý của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành hoàn thiện thủ tục xác nhận sự phù hợp của dự án với QHĐ8, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, thống nhất về thỏa thuận hướng tuyến dự án, thay tên gọi phù hợp với QHĐ8... Các nhiệm vụ này, yêu cầu thực hiện trước 26/6/2023.

Đồng thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh xem xét, thống nhất trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển đổi đất rừng sản xuất; trình chủ trương chuyển đổi đất rừng tự nhiên; đồng thời có văn bản bảo đảm chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa.

Để dự án thuận lợi triển khai sau khi được chấp thuận chủ trương, Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương có dự án đi qua trên cơ sở hướng tuyến đã được phê duyệt, thực hiện rà soát ảnh hưởng của dự án đối với đất ở và đề xuất phương án tái định cư, báo cáo UBND tỉnh trong thời hạn 3 tuần.

Các địa phương thực hiện rà soát để điều chỉnh các dự án đã được phê duyệt của địa phương theo hướng: Nếu không thể điều chỉnh hướng tuyến Dự án Đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hoá, thì sẽ thực hiện điều chỉnh các dự án đã phê duyệt, với mục tiêu ưu tiên cao nhất cho việc triển khai dự án này.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia trong thực hiện thủ tục thực hiện báo cáo Chính phủ các cơ chế đặc thù, đưa vào dự án vào công trình đặc biệt cấp bách quốc gia để ưu tiên các điều kiện triển khai thực hiện; đồng thời, đề nghị các Ban Quản lý các công trình điện miền Trung thường xuyên phối hợp với sở, ngành của tỉnh, các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục và triển khai dự án.

Lê Nam