Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với thực tế đáng buồn là rất nhiều sinh viên không tìm được việc làm khi ra trường trong khi các doanh nghiệp vẫn phải đau đầu tìm kiếm lao động chất lượng cao, phù hợp với công việc của đơn vị. Với đặc thù là đơn vị nghiên cứu chuyên sâu, chuyển giao khoa học công nghệ, phục vụ đào tạo và tham gia đào tạo cán bộ có trình độ sau đại học về lĩnh vực lâm nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường của Đại học Thái Nguyên, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. Có rất nhiều lời giải cho bài toàn này đã được đưa ra từ đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng dạy, cơ sở vất chất phục vụ đào tạo,… tuy nhiên đây vẫn là một vấn đề nan giải của Nhà trường và Nhà tuyển dụng.
Năm học vừa qua (2016-2017), Khoa Quốc tế - Đại học Thái Nguyên đã đưa ra cách làm đột phá mà tôi tin rằng đây chính là một lời giải thiết thực cho bài toán trên. Song song với cải tiến chương trình đào tạo và chất lượng giảng dạy, Khoa đã mạnh dạn liên kết với các đơn vị tuyển dụng để biến thời gian thực tập tốt nghiệp của sinh viên thành thời gian thử việc và đảm bào sinh viên được tuyển dụng tại chỗ sau khi kết thúc quá trình thực tập. Xuất phát từ thực tế rất nhiều bạn sinh viên đi thực tập là để “đối phó” hoặc “cho có” để hoàn thành yêu cầu của nhà trường, còn các đơn vị thực tập thì “tạo điều kiện” nên hiệu quả không cao, Khoa Quốc tế đã chủ động liên hệ và ký “Hợp đồng đào tạo” với cơ sở thực tập ghi rõ mô tả công viêc, kế hoạch thực tập và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, Khoa thường xuyên nắm bắt tình hình sinh viên trong suốt quá trình thực tập và có sự phản hồi, điểu chỉnh phù hợp.
Khoa đã mạnh dạn liên kết với các đơn vị tuyển dụng để biến thời gian thực tập tốt nghiệp của sinh viên thành thời gian thử việc và đảm bảo sinh viên được tuyển dụng tại chỗ sau khi kết thúc quá trình thực tập.
Kết quả sau quá trình thực tập, tôi thực sự bất ngờ và hài lòng với năng lực, kỹ năng và thái độ của các bạn sinh viên Khoa Quốc tế. Với chương trình đào tạo tiến tiến, sinh viên của Khoa có những nét rất khác biệt so với sinh viên các trường đã từng thực tập ở Viện. Thứ nhất, tất cả các bạn đều có khả năng sử dụng tiếng anh thành thạo và tự tin cả trong học thuật và nghiên cứu. Ngày nay, việc sử dụng tiếng Anh là yêu cầu thiết yếu trong tất cả các lĩnh vực bởi đó chính là công cụ hữu ích để kết nối tri thức và hội nhập quốc tế. Được biết sinh viên của Khoa được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và có chuẩn đầu ra IELTS 5.5 hoặc tương đương (đặc biệt sinh viên Lê Thùy Linh đạt IELTS quốc tế 7.0), vì vậy các bạn đều đáp ứng rất tốt yêu cầu giao tiếp, xử lý văn bản và trao đổi với chuyên gia người nước ngoài. Thứ hai, thái độ chủ động, tích cực và cầu thị trong học tập và công việc. Dù mới là sinh viên xong các bạn đều sớm được rèn luyện tác phong làm việc khá chuyên nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, luôn hoàn thành deadline, thường xuyên báo cáo tiến độ và tích cực học hỏi, tiếp thu từ các cán bộ nhiều kinh nghiệm hơn. Thứ ba, sinh viên Khoa Quốc tế được đào tạo khá bài bản về kỹ năng và phương pháp làm việc như máy tính văn phòng, làm việc nhóm, thuyết trình,… Trong đó, tôi ấn tượng nhất đối với khả năng lập kế hoạch và tổ chức công việc rất chi tiết, cụ thể và khoa học của các bạn sinh viên của Khoa.
Chính vì vậy, Viện nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp đã sẵn sàng tuyển dụng 03/03 sinh viên thực tập của Khoa, trong đó bạn Lê Thùy Linh (sinh viên ngành Quản lý Môi trường và Bền vững) được mời giữ chức vụ quản lý trong Viện do đã thể hiện năng lực xuất sắc trong quá trình thực tập. Tôi tin rằng, đây là một mô hình thực sự thiết thực, hiệu quả và cần được nhân rộng.
PGS. TS. Trần Thị Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp