Đồng thời, phản ánh phần nào sự nỗ lực mà lãnh đạo, cán bộ, viên chức ĐHTN phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.
Thực trạng tỷ lệ tuyển sinh thấp
ĐHTN được xác định là trung tâm giáo dục đào tạo lớn của cả nước. ĐHTN được thành lập ngày 4/4/1994 theo Nghị định số 31/CP của Chính phủ trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các trường ĐH trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Là ĐH vùng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng cao. Từ đây, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực giáo dục, nông - lâm nghiệp, y tế, kinh tế, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông; thiết lập và cung cấp các giải pháp, khoa học - công nghệ cũng như các chính sách nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước.
Trong những năm qua, ĐHTN đã không ngừng phát triển và hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy và học hiện đại theo mô hình của một ĐH vùng, đa cấp, đa ngành, bao gồm: 27 đơn vị thành viên, trong đó có 11 đơn vị đào tạo. Đội ngũ cán bộ của ĐH không ngừng được nâng cao về chất và lượng. Nhiều giảng viên trẻ được đào tạo ở các cơ sở giáo dục nổi tiếng trong nước và thế giới, có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp giảng dạy tiên tiến, giỏi ngoại ngữ, đủ khả năng tham gia hội nhập quốc tế. Đến nay, ĐH có 4317 CBVC, trong đó có 13 giáo sư; 117 phó giáo sư; 586 tiến sỹ; 6 nhà giáo nhân dân; 70 nhà giáo ưu tú, 9 thầy thuốc ưu tú…
Tỷ lệ sinh viên nhập học tại ĐHTN năm 2017, sau 2 đợt tuyển sinh đạt 60% tổng chỉ tiêu tính theo cả 2 phương thức thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng học bạ tốt nghiệp PTTH. Kết quả này, gây bất lợi cho công tác vận hành, quản lý, giảng dạy ĐHTN nói riêng và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên nói chung.
Hỏi về lý do thí sinh trúng tuyển, nhưng không nhập học tại ĐHTN, lãnh đạo một số trường ĐH thành viên cho biết một số nguyên nhân chính.
Trước hết đó là tâm lý “sính” học tại Hà Nội của các thí sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực. Việc phát triển mạnh mẽ và đa dạng của các trường đào tạo hệ ĐH trên cả nước dẫn đến tình trạng “cung” lớn hơn “cầu” - đây cũng là một lý do tuyển không đủ chỉ tiêu của các trường. Đặc biệt, ĐHTN là một đơn vị đóng trên địa bàn một tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài lớn, có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng một lượng rất lớn nguồn nhân lực đào tạo “tại chỗ” không cần bằng cấp đào tạo có trình độ cao. Các em học sinh, sau khi tốt nghiệp PTTH, thậm chí chỉ tốt nghiệp THCS, cũng được nhận vào làm việc.
Đồng bào các dân tộc vùng núi, trung du phía Bắc, đại đa số là làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình đã lựa chọn cho con em mình đi làm để ổn định cuộc sống trước mắt... Việc một số liên doanh nước ngoài sử dụng một lượng lớn lao động trẻ chưa qua đào tạo bài bản trong một thời gian ngắn, sẽ dẫn đến một hệ luỵ nặng nề cho xã hội sau này, khi mà tình trạng một số địa phương, lao động “nghỉ hưu” ở tuổi 35 xuất hiện ngày càng nhiều, thì cơ hội làm việc lại cũng như học tập là rất khó khăn.
Giải pháp trong công tác tuyển sinh
Mùa tuyển sinh ĐH năm 2017 đã kết thúc. Trước thực trạng về việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu ở hầu hết các trường ĐH, thì việc lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT công bố một phương án thi THPT quốc gia ổn định trong 3 năm liên tiếp đã tạo cho học sinh, phụ huynh tâm lý vững vàng hơn. Từ đó, các trường ĐH, CĐ có thể chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu thế chung, những điều kiện và đặc thù riêng của mình.
Rút kinh nghiệm tuyển sinh năm 2017, ĐHTN, ngay từ bây giờ đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2018 và những năm tiếp theo, dựa trên cơ sở phát huy những thế mạnh, thành tựu đạt được, khắc phục những mặt còn hạn chế. Xây dựng đề án tuyển sinh dựa trên thực trạng, xu hướng và nhu cầu thực tế trong công tác đào tạo của địa phương, của từng trường ĐH thành viên, tạm dừng tuyển sinh những ngành không tuyển sinh được hoặc tuyển được ít sinh viên trong nhiều năm liên tiếp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy, đồng thời tạo tâm lý yên tâm học tập của sinh viên.
Khoa Ngoại ngữ là khoa dẫn đầu về công tác đào tạo của ĐHTN. Khoa đã từng bước đa dạng hóa các loại hình, các chương trình đào tạo. Tăng cường mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của thực tiễn (tiếng Anh, Trung, Pháp, Nga, Hàn và tiến tới là tiếng Nhật). Từng bước phát triển Khoa Ngoại ngữ thành trường ĐH ngoại ngữ trọng điểm của khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Trường ĐH Y dược (97%) với sứ mạng đào tạo cán bộ y tế trình độ ĐH, sau ĐH. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Khoa Quốc tế, đổi mới và triển khai hình thức giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Khoa đã hợp tác với các DN trong và ngoài tỉnh để đưa sinh viên đi thực tập tốt nghiệp, đề tài tốt nghiệp được điều chỉnh theo hướng thực tiễn, gắn với sản xuất, kinh doanh của cơ sở thực tập, giảm tính hàn lâm. Khoa sẽ tiếp tục tổ chức các ngày hội việc làm với sự tham gia hưởng ứng của nhiều DN trong cả nước, tạo điều kiện cho sinh viên của khoa ngay sau khi ra trường sẽ được nhận vào làm việc.
Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - nhà trường luôn đảm bảo nguồn kinh phí và tổ chức xét chọn, trao học bổng khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên (bình quân hàng năm gần 3 tỷ đồng)…
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và địa phương trong việc thực hiện học bổng chính sách, miễn, giảm học phí, trợ cấp xã hội, bảo hiểm, tín dụng đào tạo và các chế độ, chính sách khác cho học sinh, sinh viên khuyết tật, học sinh, sinh viên diện chính sách, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo đúng quy định của Nhà nước và Bộ GD&ĐT. Liên hệ và phối hợp với các tổ chức, DN trong nước cũng như nước ngoài và từ huy động đóng góp của CBVC cấp hàng trăm suất học bổng cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, sinh viên nghèo vượt khó học tốt (hàng trăm triệu đồng/năm). Trường ĐH Kinh tế và QTKD tiếp tục đầu tư thêm cở sở vật chất trang bị thiết bị dạy và học; quy hoạch, xây dựng các hạng mục, phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí cho sinh viên.
Tuyển sinh ở các trường Nông lâm (36%), Trường ĐH Khoa học (47%), ĐHSP... tỷ lệ không cao, một phần là do tâm lý chung và sự thiếu thông tin của các em học sinh về vai trò thực tiễn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng của xã hội sau khi sinh viên ra trường (theo thống kê là 80% có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo). Ngay từ bây giờ, bộ phận chuyên trách về các trường đã lên kế hoạch để tăng cường công tác tuyên truyền theo nhiều kênh khác nhau để đến được với các em và phụ huynh học sinh.
ĐHTN thực hiện hỗ trợ cho sinh viên theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tùy theo điều kiện của các trường thành viên, sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên: Trao học bổng, hỗ trợ sinh viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chỗ ở ký túc xá, trao quỹ khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học... tạo điều kiện cho các em trong học tập, sinh hoạt, cơ hội việc làm. Từ đó, tạo động lực cũng như sự yên tâm cho sinh viên. Thành lập các phòng, ban chuyên trách cho công tác tuyển sinh; tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho các trường PTTH, phụ huynh và học sinh về năng lực đào tạo của nhà trường, cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập. Liên kết với các nhà tuyển dụng tạo cơ hội việc làm bền vững cho sinh viên sau khi ra trường...
Hoàng Thiệp