THCL Thông tin từ Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam (Vinatuna) cho biết, Cục Quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) có lệnh kiểm tra 100% lô hàng cá ngừ trước khi nhập khẩu vào quốc gia này.
Khi NTD có quyền…
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, phía FDA có lệnh kiểm tra 100% lô hàng vì trước đó phát hiện cá ngừ nhập khẩu từ Việt Nam có nhiễm khuẩn Salmonella.
Nguyên nhân nhiễm khuẩn được giả thiết có thể là do nước đá dùng để đông lạnh cá ngừ sau khi đánh bắt trên biển không bảo đảm nên gây ra hiện tượng nhiễm khuẩn này. Cũng theo ông Đáp, hiện có khoảng 30 DN xuất khẩu cá ngừ sang gần 100 thị trường khác nhau.
Trước đó, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính đến tháng 9/2015, tổng xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 141 triệu USD, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2014. Mỹ tiếp tục dẫn đầu nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Năm nay, Mỹ nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh mã HS03 của Việt Nam nhiều hơn so với năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm, tăng hơn 19% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó.
Việt Nam vừa kết thúc đàm phán và ký kết 4 hiệp định thương mại quan trọng trong năm 2015, chiếm tới 80% thương mại của Việt Nam và mở ra thị trường xuất khẩu hàng hóa vô cùng lớn khi các hiệp định chính thức có hiệu lực.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, cho biết: DN là chủ thể chính của hội nhập phải tìm cách thích ứng với luật chơi. Để khởi kiện một vụ chống bán phá giá không đơn giản.
Về việc nhiều nước dựng lên những hàng rào phi thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước, ông Khánh chia sẻ: Không nên quan niệm việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu là do họ dựng hàng rào lên với mình. Đối với các nước có yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, người tiêu dùng nước họ có quyền yêu cầu Chính phủ áp dụng các tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu phải tương đương với hàng sản xuất trong nước. Trong trường hợp này, chúng ta không có cách gì khác là vươn lên áp dụng các tiêu chuẩn an toàn của nước họ và đừng coi đó là hàng rào.
Khởi kiện ra WTO?
Ông Khánh cho biết, việc gần đây Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá tra, cá basa của Việt Nam phải đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn tương đương của Hoa Kỳ, khiến DN Việt Nam có nguy cơ mất thị trường Hoa Kỳ. Lâu nay, các nước thường áp dụng tiêu chuẩn tương đương - xem xét kiểm tra tất cả các quy trình từ khâu chọn giống, đóng gói, bao bì, sản xuất, chế biến, tức là ra đến sản phẩm cuối cùng đều chỉ áp dụng đối với sản phẩm thịt đỏ như gà, thịt bò, chủ yếu là động vật nuôi, chứ đối với thủy sản là các sản phẩm đánh bắt trong tự nhiên thì thông thường không mang lại các dịch bệnh quá nguy hiểm nên không quốc gia nào áp dụng tiêu chuẩn tương đương.
Hoa Kỳ là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng sản phẩm tương đương đối với mặt hàng thủy sản. Và không phải chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia Đông Nam Á, cũng như các thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đều phản đối yêu cầu này, cho rằng không cần thiết.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã phản ứng khá gay gắt đối với Hoa Kỳ xung quanh vấn đề này, thậm chí đang cân nhắc khả năng đề nghị khởi kiện Chính phủ Hoa kỳ ra WTO. Bởi Hoa Kỳ đã vi phạm điều khoản quan trọng của Hiệp định SPS của WTO là mọi biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe con người đều phải được áp dụng trên cơ sở khoa học và chứng minh được sự cần thiết của nó, trong trường hợp này là quá mức cần thiết.
Đến tháng 10/2015, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 94 vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài. Trong khi đó, DN Việt Nam mới sử dụng công cụ này 4 lần với mặt hàng kính nổi, dầu ăn thực vật và đùi gà Mỹ. Trong 4 vụ kiện phòng vệ thương mại của Việt Nam, mới chỉ có 2 vụ dẫn đến được áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các công ty nguyên đơn với 2 vụ việc này đều là công ty lớn với sự chuẩn bị về tài chính và nhân lực tốt. Tuy nhiên, khi các DN Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ và vừa cho biết họ không đủ nguồn lực tài chính để khởi kiện. Thêm vào đó, để đi kiện, DN phải thu thập được bằng chứng cáo buộc đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này vượt quá khả năng của các DN Việt Nam.
Hoan Nguyễn (Thương hiệu & Công luận)