Mù mắt vì tiêm filler

Filler thường được gọi là chất làm đầy, một hợp chất được cấu tạo từ axit hyaluronic giống như một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể con người. Filler thường được dùng để nâng mũi, độn cằm, tiêm môi hình trái tim, tiêm má baby, tiêm tạo hình tai phật…

Thời gian thẩm mỹ với filler rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 10 - 15 phút. Các bác sỹ sẽ sử dụng thuốc tê trước rồi dùng kim tiêm chuyên dụng đưa filler vào da với một lượng rất nhỏ.

Tiêm filler, truyền trắng da – phương thức làm đẹp mới hay là đường đi tới... “tử thần”? - Hình 1

Filler chính là chất silicon công nghiệp

Với thời gian làm nhanh chóng, không cần nghỉ dưỡng lâu, giá thành rẻ và đặc biệt không cần đến dao kéo gây đau đớn nên hình thức thẩm mỹ này đang trở thành xu hướng được rất nhiều chị em ưa chuộng.

Nhưng có đúng như những gì được quảng cáo rầm rộ trên mạng hay không; mà ngược lại những hậu quả mà người sử dụng filler sẽ phải gánh chịu thì khó ai có thể tượng tưởng ra được. Cụ thể, ngày 16/7/2018, chị D. 30 tuổi, tới một spa ở quận 4, TP. HCM để làm đẹp. Khi được nhân viên ở spa tư vấn, chị lựa chọn nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler loại hyaluronic acid.

Chỉ 5 phút sau khi được tiêm chất filler vào mũi, chị thấy mặt có biểu hiện sưng phù, sụp mí mắt, da vùng mũi và trán có vết bầm ngày càng lan rộng. Sau khi đến Bệnh viện Trưng Vương, bác sỹ CKII Nguyễn Thế Hồ, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương, xác định bệnh nhân bị tăng nhãn áp cấp do tai biến tiêm chất làm đầy và không loại trừ khả năng tắc động mạch trung tâm võng mạc, liệt dây thần kinh số III trái. Tuy nhiên, qua 3 ngày điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân đáp ứng rất kém và nguy cơ mù lòa vĩnh viễn mắt trái vì chất làm đầy đã gây tắc động mạch mắt.

Chia sẻ với PV, GS. TS. Trần Thiết Sơn -  Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (PTTHTM - Trường ĐH Y Hà Nội), Trưởng khoa PTTHTM (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) cho biết: “Thẩm mỹ viện không được phép tiến hành bất cứ phương pháp xân lấm hoặc không xâm lấn. Nhưng hiện nay, những biện pháp xâm lấn hoặc không xâm lấn bây giờ không chỉ được thực hiện ở các thẩm mỹ viện nữa, mà còn lan tràn trên các spa gội đầu, nail…

Filler - trước kia đã từng trở thành vấn nạn trong việc làm đẹp, thường thì filler chỉ bác sỹ thẩm mỹ hoặc bác sỹ da liễu thực hiện quy trình tiêm, nhưng giờ đây, người sử dụng nhiều nhất là những người tiêm chích dạo. Gọi là filler, nhưng là silicon công nghiệp, silicon công nghiệp thì lại cấm sử dụng trên người, nhưng vì lợi nhuận thì họ lôi kéo bệnh nhân.

Họ tiêm không bảo đảm vệ sinh, tự tiêm trên bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, ngực, mũi, chân, mông để cho nó đầy lên. Khi tiêm thì kết quả nó đẹp ngay, nó đầy đặn từ bé thành to, nó đánh đúng cái tâm lý của bệnh nhân thứ nhất là rẻ tiền, thứ hai là không phải phẫu thuật... Nhưng còn hậu quả sau đó thì vô cùng khôn lường”. 

Suýt mất mạng vì truyền trắng da

Vì muốn sở hữu một làn da trắng mịn, nuột nà mà nhiều chị em đã không ngần ngại chi cả trăm triệu đồng để đi truyền trắng. Vì thế, nhiều người không ngại tốn tiền để “cải tạo” làn da bẩm sinh. Nắm bắt được nhu cầu đó, gần đây, nhiều nơi quảng cáo rầm rộ về phương pháp truyền trắng da với giá mỗi lần cả chục triệu đồng và một liệu trình khoảng 10 lần.

Chưa biết hiệu quả thế nào, nhưng nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy khi khách hàng thực hiện phương pháp làm đẹp này.

Tiêm filler, truyền trắng da – phương thức làm đẹp mới hay là đường đi tới... “tử thần”? - Hình 2

Vì muốn sở hữu một làn da trắng mịn, nuột nà mà nhiều chị em đã không ngần ngại chi cả trăm triệu đồng để đi truyền trắng

Cụ thể, theo lời kể của chị Nguyễn Thị H., trước đó, khoảng 9h30 tối 8/5, chị H. có đi thẩm mỹ viện chăm sóc sắc đẹp và được các nhân viên ở đây thực hiện tiêm truyền trắng da theo đường tĩnh mạch. Đến 11 giờ đêm, việc tiêm truyền kết thúc, chị H. trở về nhà và bỗng dưng có cảm giác run vì lạnh, bị nôn liên tục. Nghĩ chị bị cảm nên người nhà đã bôi dầu, đánh gió cho chị.

Tuy nhiên, tình trạng của chị H. càng lúc càng diễn tiến xấu hơn, chị H. không thể thở được. Lúc này, mọi người bèn gọi xe đưa chị H. tới BV Bưu điện cấp cứu.

Trước tình trạng của chị H. khi nhập viện, các bác sỹ Khoa Hồi sức cấp cứu trực đêm đó nhận định: Đây là trường hợp sốc phản vệ sau tiêm truyền, người bệnh rất dễ bị nặng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Truyền trắng là gì?

Theo tìm hiểu, 2 loại chất thường có trong các công thức truyền trắng da hiện nay trên thị trường là glutathione và vitamin C.

ThS. Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết “Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về việc tiêm, truyền để làm da trắng sáng như nhiều trang mạng quảng cáo. Ở Mỹ, cũng không khuyến cáo việc tiêm, truyền vào tĩnh mạch để làm trắng da”.

Thậm chí, Bộ Y tế còn chưa cho phép sử dụng bất kỳ loại thuốc truyền trắng nào.

"Vì là thuốc nên khi dùng glutathion, phải có chỉ định của bác sỹ, một thuốc khi dùng toàn thân, nhất là đường tĩnh mạch đều có thể gây các phản ứng nhất định như shock phản vệ. Một thuốc khi dùng toàn thân, cũng phải được đánh giá tình trạng toàn thân nhất là chức năng gan thận", bác sỹ Hà khuyến cáo.

TS. bác sỹ Nguyễn Trọng Hào, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP. HCM cảnh báo rằng, tiêm thuốc tắm trắng sẽ có nguy cơ tai biến nguy hiểm đến tính mạng như sốc phản vệ, huyết khối. Thậm chí, nhiều người còn bị nhiễm trùng, lây nhiễm các bệnh mãn tính như viêm gan siêu vi, HIV qua đường tiêm chích.

Cũng chính vì lý do này mà hiện nay, các cơ quan quản lý dược phẩm ở một số nước như Philippines... đã đưa ra cảnh báo cấm sử dụng các loại thuốc tiêm làm trắng và xem việc kinh doanh những sản phẩm này là phạm pháp.

Hoàng An