Theo Bộ Y tế gày 29/7 của Bộ Y tế cho biết, có 1.803 ca COVID-19. Đây là ngày có số F0 cao nhất trong 75 ngày qua.  Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến mới phức tạp, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiêm vaccine, covid 19, bộ y tế
Theo các chuyên gia việc tiêm vaccine hiện tại vẫn là biện pháp hiệu quả để ngăn 73% khả năng nhiễm COVID-19.

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định COVID-19 hiện vẫn đang là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, việc tiêm vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng đối với hai biến chủng BA.4 và BA.5, đặc biệt có cả tác dụng phòng cúm A và cúm thường.

Dữ liệu từ Đại học Chiang Mai của Thái Lan, vaccine COVID-19 của AstraZeneca (còn có tên là Vaxzevria) có hiệu quả trong việc ngừa nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron khi được sử dụng làm mũi bốn (liều nhắc lại thứ hai).

Từ nghiên cứu này cho thấy hiệu quả của vaccine trước biến thể Omicron là 73% khi liều thứ tư dùng Vaxzevria được tiêm trộn với bất kỳ loại vaccine cơ bản hoặc nhắc lại nào trước đó. Theo các tác giả của nghiên cứu này, đây là những dữ liệu đầu tiên được biết đến hiện nay nhằm đánh giá hiệu quả của phác đồ tiêm trộn (khác loại) bốn liều vaccine COVID-19.

Dữ liệu cũng cho thấy liều thứ tư của bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào đã được nghiên cứu, bao gồm cả vaccine AstraZeneca, có hiệu quả trung bình là 75% trong việc ngừa nhiễm biến thể Omicron. Độ hiệu quả của vaccine là 73% đối với Vaxzevria, tương tự với vaccine mRNA là 71%, đã được điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính, lịch trình tiêm và loại vaccine đã được tiêm trước đó.

Giáo sư danh dự, bác sĩ Suwat Chariyalertsak, Khoa Y tế Công cộng Đại học Chiang Mai, Thái Lan, là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng chứng minh liều thứ tư của bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào cũng có thể giúp ngừa nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh. Các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như người cao tuổi và có bệnh mạn tính cần được bảo vệ liên tục bằng các liều vaccine tăng cường. Dữ liệu cũng chứng minh hiệu quả của các liệu trình tiêm vaccine khác loại hay còn gọi là ‘tiêm trộn’, tạo điều kiện đẩy mạnh các kế hoạch tăng tỷ lệ bao phủ liều tăng cường.

Bên cạnh đó, một đánh giá sơ bộ về dữ liệu từ các bệnh viện đã chứng minh hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19 tiến triển nặng (cần can thiệp thở máy xâm nhập) và ngăn ngừa tử vong trong làn sóng Omicron diễn ra từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2022. Ở tất cả các nhóm tuổi đã tiến hành tham gia nghiên cứu, liệu trình tiêm trộn 3 liều vaccine đem lại hiệu quả bảo vệ 98% trước nguy cơ bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Với các đối tượng đã tiêm liều thứ 4, nhóm nghiên cứu chỉ ghi nhận một ca tử vong duy nhất, là một bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền.

Nghiên cứu này đo lường hiệu quả đời thực của các loại vaccine Vaxzevria, CoronaVac và vaccine sử dụng công nghệ mRNA bằng cách ứng dụng hệ thống giám sát chủ động giúp so sánh cùng một hồ sơ bệnh nhân trong hai giai đoạn biến thể Delta và biến thể Omicron đang lưu hành mạnh.

Tính đến hết ngày 29/7, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 244.757.059 liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 212.339.674 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 20.544.207 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 11.873.178 liều. Việt Nam có 10.776.484 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.713 ca nhiễm).

Minh An (T/h)