Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn đối mặt nhiều khó khăn khi tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao, ngành công nghiệp mới.

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện cũng như yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp mới này.

Cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Nhận định về cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã trải qua hơn 40 năm phát triển nhưng mới dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp với linh kiện và các vi mạch chính đều nhập khẩu, cho nên giá trị gia tăng rất thấp, khó cạnh tranh với sản phẩm điện tử sản xuất ở nước ngoài.

Ngành công nghiệp điện tử vì thế cũng chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế đất nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam vẫn chỉ tập trung vào hoạt động gia công để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, chưa có dấu hiệu đầu tư vào công nghệ nguồn là sản xuất linh kiện và vi mạch bán dẫn.

Nếu không làm chủ được công nghệ, Việt Nam không thể tạo ra được các sản phẩm điện tử có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm mới có tính chất đột phá về mặt công nghệ sử dụng cho các mục đích khác nhau, nhất là cho an ninh quốc phòng.

Nhờ có nguồn cung nhân lực dồi dào, Việt Nam đang có lợi thế lớn cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành kỹ thuật-công nghệ. Tuy nhiên, việc tập trung đào tạo kỹ sư trong ngành bán dẫn chưa được chú trọng cho nên đang có khoảng cách lớn giữa nguồn cung và nhu cầu trong ngành.

Do đó, việc tập trung đầu tư đào tạo kỹ sư bán dẫn là một hướng đi chiến lược nhằm tận dụng tốt nội lực, tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước và góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Với ba công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, gồm: thiết kế, sản xuất, kiểm thử và đóng gói, Việt Nam hiện mới có hoạt động ở công đoạn đầu và công đoạn cuối, chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn. Cụ thể, ở khâu thiết kế, doanh nghiệp nội địa có Công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên; bên cạnh đó, có khoảng 36 doanh nghiệp FDI với đội ngũ nhân lực ước tính khoảng 5.600 kỹ sư. Công đoạn kiểm thử và đóng gói có sự tham gia của Intel và một số doanh nghiệp FDI khác.

Trong đó, vốn từ Hoa Kỳ có Intel đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2009 với tổng vốn 1,5 tỷ USD, quy mô nhà máy gần 3.000 kỹ sư và Tập đoàn Amkor vừa đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh với số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ USD. Ở công đoạn thiết kế, Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế nhờ nguồn nhân lực trẻ dồi dào và am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển.

Cần chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, nhưng vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn khi tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao, ngành công nghiệp mới. Nguyên nhân là do Việt Nam hiện đang thiếu một cơ chế chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững.

Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong việc bảo đảm nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài. Thị trường còn thiếu những thương vụ thoái vốn lớn để viết nên những câu chuyện thành công, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn rót vốn vào Việt Nam.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có cơ hội và tiềm năng để phát triển những ngành công nghiệp mới như chip bán dẫn, game, hydrogen…, song việc phát triển các ngành công nghiệp mới đòi hỏi sự đầu tư lớn về nghiên cứu và phát triển, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và quyền sở hữu trí tuệ.

Để đổi mới sáng tạo trở thành một tư duy, tầm nhìn và hành động mạnh mẽ hơn, ông Vũ Quốc Huy-Giám đốc NIC cho rằng, cần một số chính sách đặc thù và ưu đãi vượt trội để tạo ra một môi trường ban đầu thuận lợi.

Cụ thể, Chính phủ cần đưa ra các chính sách và cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo, bao gồm việc giảm các rào cản về quy định, thủ tục hành chính và thuế, cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để khuyến khích sự sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các viện, trường đại học.

Bên cạnh đó, không thể thiếu chính sách phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng tăng cường về kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khám phá.

Nhận định Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn của thế giới, ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho rằng, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động.

Việt Nam cũng đang ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.

Trước cơ hội lớn cho phát triển các ngành công nghiệp mới, ngành công nghệ cao, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đó sẽ là những cơ chế đặc thù, chính sách ưu đãi vượt trội để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030 cần khoảng 15 nghìn kỹ sư thiết kế và 35 nghìn kỹ sư trong các công đoạn khác. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng công ty thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ tăng gấp ba lần hiện tại. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đủ điều kiện và năng lực để đào tạo khoảng 50 nghìn kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

Vũ Quốc Huy

Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia

Theo Nhandan.vn