THCL Đầu năm 2016, tình hình hạn mặn đã diễn với quy mô và tốc độ bất thường cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Tiền Giang là tỉnh ven biển chịu tác động đầu tiên của thực trạng biến đổi khí hậu này.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng (phải) kiểm tra ruộng lúa bị chết do ảnh hưởng hạn, mặn

Tuy nhiên, vượt qua khó khăn sau 6 tháng nỗ lực triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quyết liệt trong công tác điều hành: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 26.339 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 7,14% so với cùng kỳ (cao thứ 2/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Thu hút, cấp mới 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo báo cáo của tỉnh Tiền Giang, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 7.255 tỷ đồng, trong đó thu từ kinh tế địa phương thực hiện được 3.569,8 tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán và tăng 24,8% so cùng kỳ.

Tiền Giang đã thu hút và cấp mới 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 03 dự án) và 05 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm là 8.168 tỷ đồng, tăng 5,9 lần so cùng kỳ 2015. Số DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh là 271 DN, với tổng vốn đăng ký 2.031 tỷ đồng, tăng 10,2% về số DN và gấp 2,8 lần về vốn so với cùng kỳ. Chỉ trong 6 tháng, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 9.709 lao động, tăng 2,5% so cùng kỳ. Công tác an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công và công tác an sinh xã hội thực hiện đúng qui định.

Đáng chú ý, kết quả trên đạt được trong bối cảnh xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thứ 49/63 tỉnh thành cả nước và xếp áp chót trong khu vực ĐBSCL, cùng với một số vấn đề tồn tại chuyển tiếp khác cần phải được tiếp tục giải quyết.

Qua đó, đã phần nào khẳng định hướng đi đúng và nỗ lực của tỉnh trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thực tế, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chủ động lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó: quý I, tỉnh ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo ổn định sản xuất cho nông nghiệp và đời sống người dân; quý II kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự đảm bảo vận hành tốt song song với tổ chức các hội nghị trọng tâm và xây dựng danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh trong toàn nhiệm kỳ; quý III tập trung nâng cao trách nhiệm công chức, công vụ, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ đã giao; quý IV, đánh giá kết quả, hiệu quả công việc và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để huy động nguồn lực tiến hành xây dựng kế hoạch năm 2017 và năm tiếp theo tăng trưởng cao hơn.

Giải quyết khó khăn từ phần gốc

Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: công tác ứng phó với hạn mặn và biến đổi khí hậu vừa qua được đánh giá là một trong những tỉnh có hiệu quả cao và giảm thiểu thiệt hại nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, không như dự báo ban đầu là một trong những tỉnh sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất. Để công tác điều hành có hiệu quả, UBND đã cân đối bố trí thời gian đủ và có ưu tiên cho từng công việc cụ thể, thậm chí cho kết luận ngay tại cơ sở để đảm bảo tính kịp thời theo yêu cầu công việc.

Cụ thể, với mục tiêu quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nên chỉ trong nửa cuối tháng 6, UBND tỉnh liên tiếp tổ chức hai hội nghị để vừa giải quyết các vấn đề hiện tại vừa đảm bảo phát triển trong tương lai, gồm: Hội nghị phát triển DN và Hội nghị đối thoại DN. Tiếp sau đó là các hội nghị về Phát triển đô thị, Phát triển thương mại, tập trung vào phát triển hệ thống chợ nông thôn đang còn nhiều khó khăn và Phát triển về du lịch, tuy có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tốt. Những hội nghị này đã được tổ theo những cách thức mới, có cấu trúc và nội dung phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Tiền Giang.  Đặc biệt là hội nghị phát triển DN được tổ chức theo tinh thần NQ 19 và NQ 35 của Chính Phủ nên được cộng đồng DN và cá nhân, tổ chức có quan tâm phấn khởi và đồng tình ủng hộ.

“Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, gắn với nhu cầu thị trường; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giải phóng nguồn lực, thu hút đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh nhà. Tập trung cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.  Phải giải quyết một cách có hệ thống, thực thi có hiệu quả từ phần gốc chứ không thể cắt phần ngọn cho vừa trước mắt.”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Khánh Yên