Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn trong toàn tỉnh phải thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo tình hình cắt giảm, chấm dứt hợp đồng lao động và phương án thực hiện của doanh nghiệp.

Đặc biệt, chỉ đạo Công đoàn cơ sở doanh nghiệp tham gia cùng với người sử dụng lao động tìm giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất; góp ý phương án cắt, giảm lao động như giảm giờ làm, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động. 

Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động an tâm lao động, sản xuất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn tỉnh còn nắm thông tin về nhu cầu việc làm của doanh nghiệp để giới thiệu cho người lao động đang bị tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động tìm việc tại doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh đã yêu cầu các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, nhất là việc tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động... của người lao động tại doanh nghiệp.

Cuối năm 2022, toàn tỉnh Tiền Giang có 18 doanh nghiệp, hợp tác xã với 10.869 công nhân lao động bị ảnh hưởng giảm giờ làm, cắt giảm lao động. Sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tính đến ngày 30/01/2023 (nhằm ngày mùng 9 Tết), tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã trở lại sản xuất là 305/314 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 97,13%, tương ứng với 95.374/98.954 công nhân lao động trở lại làm việc. Ngoài ra, có 09 doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất, nguyên nhân doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất.

PV(t/h)