Theo đó, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang giao cho các cơ sở Hội trong tỉnh rà soát, nắm cụ thể danh sách hội viên phụ nữ nghèo trong tỉnh, tìm hiểu nguyên nhân nghèo của từng trường hợp cụ thể để trên cơ sở đó có kế hoạch giúp đỡ các hội viên một cách phù hợp, hiệu quả như: Giúp ngày công lao động, cây con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, trợ giúp vốn liếng ưu đãi hoặc hỗ trợ xây dựng phương án và mô hình làm ăn, thoát nghèo, khởi nghiệp một cách khả thi,…
Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh tỉnh Tiền Giang cũng như các ngân hàng thương mại trên địa bàn, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình,… trợ giúp vốn liếng cho chị em thông qua các mô hình, dự án, chương trình phát triển kinh tế gia đình. Song song đó, nhân rộng các mô hình trợ vốn trong chị em hội viên như: Góp vốn xoay vòng, nuôi heo đất, tổ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình,… nhằm tạo nguồn vốn trợ giúp chị em nghèo mở mang sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống
Được biết, từ đầu năm đến nay, thông qua các hoạt động trợ giúp vốn liếng từ các kênh: Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình; các mô hình giúp vốn xoay vòng trong hội viên,… toàn tỉnh đã có gần 2.000 lượt hội viên phụ nữ nghèo được trợ giúp, với nguồn vốn ưu đãi gần 25,3 tỷ đồng. Trong đó, có 725 chị em được Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang hỗ trợ gần 15,2 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình giải ngân cho 832 hội viên, với tổng số tiền trên 9,6 tỷ đồng,…
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án 939 về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", các cấp Hội trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp thiết thực khác như: Cuộc thi "Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, kinh doanh an toàn, thành công" kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; tổ chức Ngày hội "Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp"… Qua các hoạt động trên, đã có hàng trăm hội viên phụ nữ nghèo được trợ giúp vốn khởi sự kinh doanh, hỗ trợ sinh kế…, với tổng kinh phí trên nửa tỷ đồng.
Công tác đào tạo nghề cho chị em phụ nữ nông thôn, hỗ trợ học nghề, tư vấn và dạy nghề, giới thiệu việc làm cho chị em hội viên nghèo cũng được các cấp Hội hết sức chú trọng nhằm giúp chị em có việc làm và thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 03 lớp dạy nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thu hút hàng trăm chị em, giới thiệu việc làm cho gần 150 hội viên có nhu cầu, tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho gần 160 hội viên.
Ngoài ra, các tổ liên kết sản xuất - kinh doanh, tổ hợp tác ngành nghề nông thôn do hội viên phụ nữ ở các địa bàn nông thôn sâu xa tổ chức được duy trì và hoạt động ổn định cũng là một trong những kênh tạo việc làm, thu nhập và giảm nghèo cho chị em hiệu quả trong thời gian qua.
PV