Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Kế hoạch đã đề ra một số mục tiêu cụ thể: 100% cán bộ triển khai Chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể mới tham gia Chương trình OCOP năm 2024 phải được tham gia tập huấn các nội dung cơ bản của Chương trình, nhất là nội dung cụ thể các bước trong chu trình OCOP.

Trong đó, phấn đấu trong năm 2024 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Hỗ trợ phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, phấn đấu có 10 - 15 sản phẩm 4 sao.

100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế tiếp cận với các kênh bán hàng, các sàn giao dịch điện tử nhằm tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.

Đối với các địa phương trong lộ trình phấn đấu thực hiện đạt chuẩn "Xã nông thôn mới nâng cao" phải có chủ thể tham gia Chương trình OCOP và có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; duy trì, xây dựng, nâng cấp các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2024, tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh). Các sản phẩm sau được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên phải có hoạt động thương mại hóa, tăng doanh thu và lợi nhuận so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. Có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...).

Do đó, cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; nâng cao nhân lực thực hiện Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; tăng cường phát triển sản phẩm OCOP: triển khai các hoạt động nâng cấp và phát triển nâng hạng sao cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; triển khai các hoạt động phát triển và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng mô hình phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; chú trọng công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có hướng dẫn thực hiện.

Yến Linh (t/h)