Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 2: Trung ương quyết liệt, địa phương chưa vào cuộc? - Hình 1

Vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 543, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (Lâm Đồng) quản lý

Trung ương quyết liệt

Như chúng tôi đã phản ánh trong bài “Thực trạng đáng buồn từ rừng Tây Nguyên”, có đề cập đến vấn đề Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa tất cả rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai.

Tuy nhiên, rừng liên tiếp bị phá, gỗ liên tục bị đưa ra khỏi rừng - đã đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng, cũng như kiểm soát lâm sản tại Tây Nguyên.

Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 2: Trung ương quyết liệt, địa phương chưa vào cuộc? - Hình 2

Gỗ thông đỏ phát hiện tại nhà Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Đức Trọng

Tại hội nghị liên quan tới vấn đề trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các giải pháp để khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên nhằm ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả nạn phá rừng nghiêm trọng ở “nóc nhà Đông Dương” này. Thủ tướng chỉ đạo “Phải đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên”. Thủ tướng khẳng định và cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn đầu ra từ nạn phá rừng, buôn lậu gỗ.

Cũng tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của Bộ NN&PTNT, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và một số bộ, ban, ngành liên quan, cũng như 5 tỉnh Tây Nguyên cùng nhìn nhận 2 nguyên nhân chính dẫn tới “chảy máu” rừng Tây Nguyên là chuyển đổi rừng và phá rừng.

Cụ thể, chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả là 111.000 ha, chiếm hơn 40%; chuyển đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…) là 37.800 ha, chiếm 13,8%. Còn lại là phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp là 122.900 ha, chiếm 45%.

Từ đó, các ý kiến đưa ra một số giải pháp “cầm máu” cho rừng Tây Nguyên như kiên quyết thực hiện chủ trương dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương, cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi.

Chính quyền địa phương thiếu sự vào cuộc?

Việc Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa rừng, chính là quyết tâm lớn của Chính phủ đối với vấn đề hết sức hệ trọng này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại thiếu sự vào cuộc, rừng tiếp tục bị xẻ thịt, hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn liên tiếp xảy ra.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2017, của các tỉnh Tây Nguyên, vấn nạn phá rừng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn tăng hơn năm trước.

Tại tỉnh Lâm Đồng, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện và lập biên bản 543 vụ vi phạm về rừng; trong đó nổi cộm là khai thác rừng trái phép với 138 vụ, phá rừng trái phép 137 vụ, vận chuyển lâm sản lậu 117 vụ; mua bán, cất giữ, kinh doanh lâm sản trái phép 125 vụ...

Tổng số vụ việc đã xử lý là 482 vụ, trong đó chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ nghiêm trọng. Tịch thu 201 phương tiện, dụng cụ phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép; gần 746 m 3 gỗ tròn, gỗ xẻ các loại; 74 cá thể và 85 kg động vật rừng; xử phạt và thanh lý hàng vi phạm nộp ngân sách hơn 5,2 tỷ đồng...

Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 2: Trung ương quyết liệt, địa phương chưa vào cuộc? - Hình 3

Xe công nông ngang nhiên chở gỗ di chuyển trên tỉnh lộ 1 thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn

Tại tỉnh Kon Tum, chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 165 vụ vi phạm khai thác, mua bán gỗ trái phép với số lượng gỗ hơn 1.346 m3, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 6 ha. Riêng huyện Ngọc Hồi, xảy ra 20 vụ, tổng khối lượng gỗ vi phạm thu giữ hơn 800 m3. Mới nhất là vụ việc phá rừng trái phép tại 2 xã Đắk Xú - Đắk Nông (thuộc địa phận Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hồi), đoàn kiểm tra xác nhận 102 gốc gỗ bị lâm tặc khai thác trái phép và chỉ có 13 gốc mới bị hạ với khối lượng hơn 10 m3 (89 gốc còn lại đã phát hiện xử lý năm 2016).

Tại tỉnh Gia Lai,6 tháng đầu năm, đã xử lý 348 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, tịch thu 670 m3 gỗ. Không chỉ riêng rừng ở Mang Yang, mà trong thời quan qua, Gia Lai nổi cộm với nhiều vụ khai thác, vận chuyển lâm sản từ các huyện phía Đông Nam tỉnh như Krông Pa, Ia Pa đến các huyện phía Tây như: Ia Grai, Chư Pah, Đức Cơ... đều nổi cộm lên các vụ vi phạm công tác quản lý bảo vệ rừng. Có điều khá giống nhau là hầu hết các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản đều khó tìm ra đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ xử lý tịch thu lâm sản hoặc phương tiện khai thác, vận chuyển.

Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 2: Trung ương quyết liệt, địa phương chưa vào cuộc? - Hình 4Tiếng kiêu cứu từ rừng Tây Nguyên - Bài 2: Trung ương quyết liệt, địa phương chưa vào cuộc? - Hình 4

Gỗ được phát hiện tại Chư Krây thuôc Ban quản lý rừng Eba huyện Kong Chro, (Gia Lai)

Tỉnh Đắk Lắk , trong 6 tháng đầu năm, đã xảy ra 709 vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng (tăng 57 vụ so với năm 2016), xử lý hình sự 1 vụ, thu giữ trên 1.000 m3 gỗ các loại. Tổng các khoản thu sau xử lý là 8.026.426.000 đồng. Tại tiểu khu 692, do Công ty TNHHMTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, cơ quan chức năng phát hiện có 14 cây gỗ bị chặt hạ trái phép, phân bố rải rác dọc 2 bên đường khai thác gỗ. Tại tiểu khu 789, 765, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý, từ đầu năm đến nay, có trên 4 ha diện tích rừng tự nhiên bị tác động, một số bị phá trắng lấy đất trồng cây nông nghiệp.

Tại tỉnh Đắk Nông, đã xảy ra 298 vụ phá rừng, tăng 52% số vụ so cùng kỳ năm 2016, gây thiệt hại 192,8 ha rừng, tăng 150,4% diện tích rừng bị thiệt hại so cùng kỳ. Các vụ phá rừng xảy ra chủ yếu tại các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Krông Nô. Rừng giao cho các công ty lâm nghiệp hầu hết đã bị mất với diện tích lên đến hàng ngàn ha.

Tại một quả đồi ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, một người dân đang quây khu vườn tiêu đâm ngọn mơn mởn, khoe: “Đất ở đây tốt, mấy năm trước thì còn rừng, nhưng người ta cứ phát từng đám một, rồi lấn dần, nay toàn bộ rừng trở thành vườn trồng tiêu, cà phê cả rồi. Toàn đất đã có chủ”.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh điều chuyển, xử lý 34 lượt cán bộ, công chức vi phạm. Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố các vụ án phá rừng, trong đó khởi tố một số vụ do cán bộ các đơn vị chức năng cấu kết phá rừng... 

Cao Diên – Hải Dương