Từ thực trạng đáng buồn...
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên hiện có 3.326.647ha, trong đó diện tích có rừng là 2.558.646ha.
Toàn bộ diện tịch này đã được giao các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng; trong đó các ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng, phòng hộ 1.263.270ha, các công ty lâm nghiệp nhà nước 920.242ha, các tổ chức kinh tế khác 193.743ha, đơn vị vũ trang 72.755ha, hộ gia đình, cá nhân 102.102ha, cộng đồng dân cư 26.679ha, UBND các cấp 716.320ha, còn lại là các tổ chức khác.
Trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, hiện có đến 282.896ha đang bị tranh chấp (trong đó có 197.356ha đã giao quyền sử dụng đất) với người dân. Các tranh chấp tập trung chủ yếu ở rừng do UBND xã, các BQL rừng phòng hộ và các doanh nghiệp nhà nước quản lý.
Vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 543, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (Lâm Đồng) quản lý
Vấn đề đáng quan tâm hơn, dù được giao quản lý sử dụng, nhưng toàn Tây Nguyên bị mất tổng cộng đến 487.096ha rừng, con số lớn nhất thuộc về UBND các cấp và các BQL rừng (cụ thể, UBND các cấp để mất: 209.993ha, các BQL rừng: 112.130ha, doanh nghiệp nhà nước: 87.192ha, hộ gia đình: 25.553ha, tổ chức kinh tế: 23.446ha, đơn vị vũ trang: 21.436ha, cộng đồng: 5.167ha và tổ chức khác để mất 2.179ha).
Trong khi đó, năm 2016, các tỉnh Tây nguyên trồng rừng tập trung được 4.811ha; năm 2017 được Bộ NN-PTNT giao trồng rừng tập trung 12.559ha…
Gỗ trái phép được thu giữ tại Hạt Kiển lâm Yok Đôn
Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn Tây Nguyên đã phát hiện và lập biên bản xử lý 1.707 vụ, tăng 2,22% so cùng kỳ năm 2016.
Trong đó: Phá rừng trái pháp luật 325 vụ với diện tích thiệt hại 122 ha, tăng 30,52% số vụ và tăng 15,64% diện tích; khai thác rừng trái phép 227 vụ, tăng 15,23%; cháy rừng 9 vụ với diện tích bị cháy 26 ha, giảm 57,14% số vụ và giảm 71,23% diện tích; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 633 vụ, giảm 32,37%; vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản 228 vụ, tăng 744,44%; vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã 11 vụ, giảm 31,25%; vi phạm khác 222 vụ, tăng 10,45%.
Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 1.489 vụ; trong đó, chuyển xử lý hình sự 29 vụ, giảm 21,62% và xử phạt hành chính 1.300 vụ, giảm 9,72%. Lâm sản tịch thu 1.916 m3 gỗ tròn, giảm 31,14% và 642 m3 gỗ xẻ các loại, giảm 13,66%. Thu nộp ngân sách được 14,7 tỷ đồng, giảm 47,49% so cùng kỳ năm 2016.
Giải pháp cấp bách để “cứu” rừng từ Ban chỉ đạo Tây Nguyên
Cây bị đốn hạ trong Khu du lịch sinh thái Bản Đôn
Trước thực trạng đáng buồn trên, để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần đổi mới và nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền từ tỉnh đến xã, thôn, buôn, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm địa bàn. Đẩy mạnh việc giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý hiện nay, bởi diện tích rừng này đang bị phá và lấn chiếm nhiều nhất.
Các tỉnh cần có giải pháp và lộ trình cụ thể hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn, bởi hầu hết các công ty lâm nghiệp đều có đất tranh chấp, khiếu nại, nhiều công ty để xảy ra tranh chấp nhiều năm liền nhưng chưa giải quyết được, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Tiếp tục tổ chức cưỡng chế, giải tỏa đối với các diện tích rừng bị phá, lấn chiếm rồi giao lại cho chủ rừng trồng, phục hồi và QLBVR, không để phát sinh tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Vấn đề quan trọng nữa là các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, trên cơ sở đó kiên quyết đình chỉ, thu hồi, xử lý các dự án có sai phạm, để xảy ra phá rừng, không thực hiện dự án hoặc thực hiện nhưng hiệu quả kém.
Đồng thời, tính toán giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tại các dự án xảy ra phá rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và buộc phải bồi thường thiệt hại do để xảy ra phá rừng...
RỪNG TÂY NGUYÊN TANG TÁC VÌ ĐÂU?
Tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu hôm 20/6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa tất cả rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai. Tuy nhiên, rừng liên tiếp bị phá, gỗ liên tục bị đưa ra khỏi rừng đã đặt ra nhiều dấu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như kiểm soát lâm sản tại Tây Nguyên.
Rất nhiều vụ việc có dấu hiệu yếu kém, thiếu trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng, thậm chí cấu kết với lâm tặc để rút ruột rừng. Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép tuy đã có nhưng chưa thật sự quyết liệt. Hầu hết các vụ việc này mới chỉ dừng lại ở phần ngọn mà không tìm ra kẻ cầm đầu. Liều thuốc "cầm máu" cho rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của chính quyền các địa phương vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Cao Diên – Hải Dương