Đảng ta luôn coi trọng vai trò của Doanh nghiệp nhà nước, xem đó là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Phát triển doanh nghiệp nhà nước là tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng mang yếu tố quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không thể đầu tư.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định Đảng, Nhà nước ta nhất quán trong việc đánh giá vai trò của kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, quan điểm đó không phải cho một giai đoạn nhất định, là xuyên suốt trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước là chủ đạo, cùng các cơ chế chính sách, tạo cơ hội cho toàn bộ nền kinh tế phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tự tin để có nhận thức đúng về kinh tế nhà nước, từ đó lan tỏa trong toàn xã hội; nhận diện được những việc khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để từ đó đề xuất những cơ chế chính sách giúp cho các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung thực hiện tốt vị trí, vai trò của mình; đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII một cách rõ ràng, thiết thực hơn, giúp cho việc triển khai thời gian tới đạt được kết quả theo các yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói.
Sau hai năm thực hiện triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm; ưu tiên các văn bản pháp lý nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết. Các bộ, ngành địa phương đã ban hành, hướng dẫn và tổ chức triển khai chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết số 12-NQ/TW đã đề ra 6 nhóm quan điểm chỉ đạo với nhiều nội dung đột phá. Trong đó, nghị quyết xác định, doanh nghiệp nhà nước phải là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước...
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tập trung thực hiện hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch trong giai đoạn 2017- 2020; xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030. Nghiêm túc chấp hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện phương án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; bảo đảm công khai, minh bạch; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo toàn, phát triển vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Cơ cấu lại tổ chức bộ máy, hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức tốt. Cần khẩn trương rà soát lại toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo Luật Đất đai, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.
Hoan Nguyễn