Về công tác khuyến công và quản lý cụm công nghiệp, trong năm 2023, Cục Công Thương địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương tại các địa phương được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp và thương mại tại các địa phương.
Lũy kế đến năm 2023, cả nước thành lập 1.057 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích hơn 38.000 ha; trong đó có 728 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 24.000 ha, thu hút hơn 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 700.000 lao động, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 64,7%; có 205 CCN có hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động.
Triển khai Chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường cho các cơ sở CNNT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc tạo ra sản phẩm mới so với máy móc thiết bị cơ sở sản xuất đang sử dụng.
Hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng, thực hiện có chất lượng, hiệu quả, nhiều nội dung mới được triển khai thực hiện, phù hợp với nhu cầu của các cơ sở CNNT, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên cả nước. Quy mô, chất lượng đề án khuyến công từng bước được nâng cao; công tác tổ chức thực hiện, quản lý đề án của các đơn vị/tổ chức dịch vụ khuyến công và các đơn vị, cơ sở CNNT trực tiếp thực hiện đề án khuyến công ngày càng tốt hơn.
Năm 2023 đã phê duyệt kế hoạch kinh phí KCQG với tổng kinh phí thực hiện là 140 tỷ đồng/132 đề án cho 45 địa phương, 16 đơn vị và thực hiện tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; hoàn thành đề án “Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia Hội chợ tại nước ngoài” và đề án “Truyền thông qua truyền hình về công thương địa phương”; hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ. Năm 2023 đã tiếp nhận, tổng hợp 441 hồ sơ của 59 địa phương đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm cấp quốc gia; Tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Năm 2024, Cục Công Thương địa phương tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả chương trình KCQG, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở CNNT trên cả nước. Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, phát triển CCN theo hướng tăng cường hiệu quả, quản lý chặt chẽ, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành về quản lý CCN. Hoàn thành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Nghị định 66/2020/NĐ-CP; xây dựng Thông tư của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định về quản lý, phát triển CCN. Tổ chức 3 Hội nghị phổ biến cơ chế, chính sách quản lý, phát triển CCN cho cán bộ quản lý CCN của các tỉnh, thành phố nhằm phổ biến, hướng dẫn và trao đổi về nội dung Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP). Theo dõi, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đối với Chương trình hỗ trợ hạ tầng CCN. Góp ý Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh và trả lời đề xuất/kiến nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị về quản lý CCN. Kiểm tra, khảo sát công tác quản lý CCN tại một số tỉnh, thành phố.
Triển khai tổ chức thực hiện công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2024 tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Tiếp tục thực hiện Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đầu mối của Bộ Công Thương công nhận, quản lý, giám sát và đánh giá hoạt động của mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương. Thực hiện Nghị định quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực TCMN sau khi được Chính phủ ban hành. Theo dõi hoạt động làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại; xây dựng các chương trình làm việc để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong công tác phối hợp, chỉ đạo đối với các địa phương. Đôn đốc triển khai các nhiệm vụ được phân công tại các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ Công Thương. Phối hợp với các Sở Công Thương chuẩn bị tổ chức Hội nghị ngành Công Thương, Hội nghị công tác Khuyến công, Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
Tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững…
Minh Anh