Như Thương hiệu Công luận điện tử phản ánh, dù chỉ là TPBVSK nhưng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Scurma Fizzy lại được quảng cáo bằng những mỹ từ như: “Curcumin trong Scurma Fizzy sẽ giúp bạn: Ức chế sự phát triển của 65 chủng vi khuản HP, ngăn ngừa ung thư dạ dàng; Tăng tiết mucin tạo lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày do rượu bia, thuốc lá, thuốc chống viêm; Chống viêm, giảm các chất gây viêm (II, cytokines…) hỗ trợ điều trị ổ viêm, vết loét; Khả năng chống oxy hóa, loại bỏ gốc tự do, giảm nguy cơ xuất hiện xuất huyết dạ dày” khiến người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Thông tin quảng cáo về sản phẩm trên website
Bên cạnh đó, để tăng thêm tính thuyết phục, sản phẩm Scurma Fizzy còn sử dụng những phản hồi về sản phẩm của khách hàng, cảm nhận của các nghệ sĩ nổi tiếng sau khi sử dụng sản phẩm Scurma Fizzy như nghệ sĩ Chí Trung, nghệ sĩ Quyền Linh…
Sản phẩm Scurma Fizzy sử dụng những phản hồi về sản phẩm của khách hàng, cảm nhận của các nghệ sĩ nổi tiếng sau khi sử dụng sản phẩm Scurma Fizzy như nghệ sĩ Chí Trung, nghệ sĩ Quyền Linh
Trên kênh Youtube của Scurma Fizzy – Curcumin Hướng Đích, có sử dụng những hình ảnh và chia sẻ về sản phẩm từ Ths. BS. CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Ths. BS Thẩm Ngọc Trung...
Scurma Fizzy đang sử dụng những chia sẻ của Ths. BS. CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, bệnh viện Nguyễn Tri Phương để quảng cáo
Ngoài ra, trên trang website: scurmafizzy.com cũng đang đăng tải các bài viết mô tả các thông tin và tác dụng chi tiết của sản phẩm Scurma Fizzy. Ví dụ như: “Với những tác dụng như tập trung viêm loét, hỗ trợ lành nhanh các vết loét, giúp giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh trào ngược dạ dày như ợ hơi, ợ chua, đầy bụng… Viên sủi Scurma Fizzy đã được các bác sĩ, chuyên gia tiêu hóa khuyên dùng...
Thông tin quảng cáo trên trang website scurmafizzy.com
Bên cạnh đó, trên facebook cũng hiện lên rất nhiều trang fanpage đang quảng cáo sản phẩm này như: SCurma Fizzy - Curcumin Hướng Đích, SCurma Fizzy- Viên Sủi Curcumin Hướng Đích, Scurma Fizzy - Sủi nghệ trải nghiệm đột phá Nano curcumin, Viên sủi hướng đích - Scurma Fizzy Nano Curcumin, Viên Sủi Dạ Dày Scurma Fizzy - Nano Curcumin, Viên sủi hướng đích cho dạ dày trào ngược…
Điểm chung của các trang fanpage này sản phẩm Scurma Fizzy đều được quảng cáo bằng những "mỹ từ" như: “Viên sủi Scurma Fizzy khác biệt hoàn toàn so với các sản phẩm dạ dày thông thường trên thị trường nhờ Công nghệ hướng đích: Tăng sức mạnh tập trung đến vị trí viêm gấp 70 lần, giảm đau ngay, giảm trào ngược dạ dày tức thì, ức chế tiết acid, tăng tiết dịch nhầy bảo vệ niêm mạc, ức chế được 65 chủng HP.
Hay như lời giới thiệu “Nhưng có Scurma Fizzy ở đây, mọi chuyện đều có thể giải quyết: Với tính pH kiềm, Scurma Fizzy sẽ ngay lập tức trung hòa lượng acid dư, làm giảm co thắt dạ dày, dứt cơn trào ngược, tăng tiết một số loại enzym tiêu hóa, giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu; tấn công vào ổ viêm loét, kháng viêm làm giảm trào ngược lâu dài”.
Có thể thấy, việc sử dụng các từ ngữ thể hiện tác dụng của sản phẩm Scurma Fizzy có thể làm giảm đau ngay, giảm triệu chứng tức thì, hỗ trợ điều trị, tấn công ổ viêm… khiến người tiêu dùng hiểu lầm đây là thuốc chữa bệnh, nhưng trên thực tế đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các viết được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông, hay như chính trang websiet: https://scurmafizzy.com/ (được cho là trang website chính mà đơn vị phân phối sản phẩm Scurma Fizzy đang sử dụng) Công ty Cổ phần Elepharma đều ghi giấy phép quảng cáo số 01945/2017/ATTP-XNQC. Tuy nhiên, nội dung giấy phép quảng cáo trên thì sản phẩm là Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Scurma Fizzy. Theo giấy phép quảng cáo, công dụng được ghi rõ: “Hỗ trợ chống oxy hóa, phòng ngừa bệnh tật; Hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng; Hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh”.
Giấy phép quảng cáo số 01945/2017/QTTP-XNQC được đăng tải trên 1 kênh truyền thông vào đầu tháng 1/2020
Trong buổi làm việc trước đó với đại diện Công ty Cổ phần Elepharma về vấn đề quảng cáo sản phẩm thời điểm này, vị này thừa nhận: Cuối năm 2019 đơn vị đã bị phạt 50 triệu đồng, sau đó trên trang web chính thức của công ty đã tạm dừng hoạt động một thời gian, gỡ bỏ hình ảnh bác sĩ, chuyên gia, người nổi tiếng nói về sản phẩm. Tuy nhiên, có những đại lý họ quảng cáo để bán sản phẩm thì mình không thể quản được. Nếu có lên làm việc với Cục An toàn thực phẩm thì công ty cũng sẽ bảo là đấy là website của các đại lý, công ty sẽ về chỉnh đốn, còn trên website chính thức của công ty là không có. Bên công ty chỉ chịu trách nhiệm của website của công ty đã báo cáo Bộ Công thương.
Khi PV đề cập đến việc việc sản phẩm Scurma Fizzy liên tục sử dụng từ ngữ “hướng đích”, “công nghệ hướng đích” để quảng cáo sản phẩm của mình. Đại diện Công ty Cổ phần Elepharma chia sẻ: “Công nghệ hướng đích là đề tài nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS. TS Phạm Hữu Lý là chủ nhiệm đề tài hướng đích, thầy đã đến hội thảo của Scurma Fizzy tổ chức, trên danh nghĩa thầy đứng ra bảo lãnh cho công nghệ hướng đích của Scurma Fizzy”.
Vị này nói thêm: “Ngày xưa trên các nhãn thì có từ hướng đích. Hướng đích là liên quan đến công nghệ sản xuất thực phẩm, ví dụ công nghệ siêu vi nano chẳng hạn, đấy là công nghệ chứ không phải công dụng. Trên giấy phép quảng cáo chỉ ghi tên sản phẩm này, quảng cáo trên các phương tiện nào, nội dung quảng cáo như thế nào, chứ không ghi là công nghệ hướng đích hay gì vì đó là công nghệ sản xuất, đó không phải là công dụng hay thành phần nên không thể ghi vào giấy phép quảng cáo được”.
“Bây giờ lên trên Cục xin giấy phép quảng cáo mà xin từ hướng đích rất là khó, vì đề tài này không phải bên nào cũng có, phải có đề tài mới xin được từ đó, theo luật để xin công bố trên nhãn là phải có đủ tất cả yếu tố để xin như công nghệ phải có chuyển giao công nghệ ở đâu, ai cho…”, vị đại diện cho hay.
Chia sẻ thêm về từ “hướng đích”, vị này nói: “Bên công ty xin phép từ tháng 6/2018, bây giờ toàn bộ nhãn đang chạy không có từ hướng đích nữa rồi, sản phẩm bây giờ là Scurma Fizzy New. Ngày xưa là có từ hướng đích, bây giờ do hết hạn nên đang trình thủ tục xin cấp lại. Ở đây, cốt lõi của sản phẩm là sử dụng công nghệ hướng đích, chứ còn sản phẩm trên nhãn mới không có. Tuy nhiên công nghệ sản xuất không thể thay đổi theo nhãn được”.
“Công ty đã làm hồ sơ, thủ tục xin từ tháng 5/2020 nhưng không được. Chắc chắn phải xin từ đó vì nó rất đắt giá. Xin được thì lại đổi lại nhãn, thời hạn sử dụng từ "hướng đích" trên thì chỉ 2 năm thôi, còn việc đổi nhãn thì không quy định số lần”.
Để thông tin khách quan đa chiều, phóng viên đã liên hệ làm việc với Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua, mặc dù phóng viên đã tích cực chủ động liên hệ nhưng phía phòng Công tác thanh tra Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế không đưa ra bất cứ phản hồi nào về vấn đề báo chí nêu.
Đã gần 1 tháng trôi qua, phía Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế không có bất cứ phản hồi nào về vấn đề báo chí nêu
Thậm chí, phóng viên đã liên hệ trực tiếp ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế nhưng gọi điện thì ông Phong không nghe, nhắn tin nhiều lần ông Phong không hồi âm.
Ở đây, có hay không việc cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Cục An toàn thực phẩm - Bộ y tế chưa làm tròn trách nhiệm của mình? Thiết nghĩ, Cục An toàn thực phẩm cần sớm có câu trả lời để rộng đường dư luận.
Hải Minh – Trúc Mai