Tiết kiệm và tái cấu trúc chi phí đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) là điều bắt buộc đối với các CIO (Chief Information Officer – lãnh đạo CNTT) trong bối cảnh khủng hoảng tuy nhiên cần phải thực hiện công việc này theo một cách tối ưu và hiệu quả nhất.
Tái cấu trúc đầu tư để tối ưu hóa chi phí
Theo công ty tư vấn chiến lược McKinsey, giám đốc công nghệ thông tin của các doanh nghiệp có xu hướng thận trọng hơn trong các khoản chi tiêu cho CNTT, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.
Các CIO đang đứng trước nhiệm vụ triển khai các công nghệ để tối ưu hoá vận hành cho doanh nghiệp, từ đó gia tăng năng suất, giảm chi phí.
Theo McKinsey, tiết kiệm chi phí đầu tư CNTT là điều bắt buộc đối với các CIO trong bối cảnh khủng hoảng tuy nhiên việc thực thi cần có sự nghiên cứu cẩn trọng và tối ưu nhất. Điều này có nghĩa là việc tiết giảm vừa phải góp phần giảm thiểu chi phí tổng thể của doanh nghiệp vừa phải giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất.
Lời giải cho bài toán tiết giảm chi phí ở đây chính là đầu tư thông minh. Hay nói chính xác hơn, CIO sẽ cân đối và cấu trúc các khoản đầu tư mới để vừa tạo ra động lực, vừa giúp doanh nghiệp tối ưu sản xuất, vận hành, từ đó đáp ứng "mục tiêu kép" mà doanh nghiệp đề ra.
Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh, CIO có thể giúp công ty tối ưu hiệu suất thông qua các khoản đầu tư vào tự động hóa quy trình, hay thúc đẩy tăng doanh thu dựa trên mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng công nghệ số.
Trong đó, 4 hướng đầu tư mà chuyên gia của McKinsey khuyến nghị các CIO nên đầu tư đó là triển khai các ứng dụng, hạ tầng xương sống hỗ trợ cho khách hàng và nhà cung cấp chuyển dịch sang các kênh trực tuyến; chuyển đổi sang công nghệ điện toán đám mây; tự động hóa quy trình dựa trên công nghệ RPA và AI; triển khai các công cụ hỗ trợ làm việc từ xa.
Tăng năng suất và triển khai thần tốc nhờ việc tìm kiếm đối tác an toàn
Cũng theo McKinsey, khi lựa chọn các đối tác, CIO nên tập trung vào hai tiêu chí quan trọng. Một là khả năng giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề một cách nhanh nhất và hai là khả năng giúp doanh nghiệp phục hồi, bứt phá sau Covid -19.
Còn ông Đặng Trần Phương, Giám đốc FPT tại thị trường Mỹ cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng tới kinh tế, nhiều doanh nghiệp xem xét lại ngân sách đầu tư cho CNTT, các doanh nghiệp của Mỹ cũng đang có xu hướng rút gọn lại danh sách các đối tác. "Họ mong muốn tìm kiếm các đối tác tin cậy cho việc tăng năng suất, an toàn và triển khai thần tốc các dự án CNTT", ông nói.
PV