Nghị quyết nêu rõ: Danh hiệu thi đua đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, Trưởng ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: a) “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”; b) “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; c) “Lao động tiên tiến”.

Danh hiệu thi đua đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: a) “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội”; b) “Tập thể lao động xuất sắc”; c) “Tập thể lao động tiên tiến”.

Đại biểu Quốc hội dự họp tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội
Đại biểu Quốc hội dự họp tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”

Theo Nghị quyết, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn trong số những cá nhân có 03 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến”;

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu.

Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội”

Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” để tặng hằng năm cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của khối thi đua và đạt các tiêu chuẩn sau đây:

Hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc;

Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.

Danh hiệu “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội” để tặng cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động có thời gian thực hiện từ 03 năm trở lên khi tổng kết phong trào.

Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”

Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” để tặng hằng năm cho tập thể đạt các tiêu chuẩn sau đây:

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;

Tích cực tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;

Có 100% cá nhân trong Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất là 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”;

Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về khen thưởng, Nghị quyết 44/2024/UBTVQH15 quy định 2 hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và Bằng khen.

Trong đó, Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng hoặc truy tặng cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, Trưởng ban và Phó Trưởng ban các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động;

Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;

Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo Nghị quyết 44/2024/UBTVQH15, Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng hoặc truy tặng cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội, Trợ lý của Phó Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.

Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng cho Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động;

Lập thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;

Có 02 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Theo Chinhphu.vn