Câu chuyện đốt tiền trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa bao giờ là cũ và lỗi thời, đặc biệt với nhóm "tứ trụ" trong ngành. Sự khác biệt, nếu có, là các nền tảng đang tìm cách định hình lại bản thân, với một phong cách tiếp cận riêng thay vì khuyến mại ồ ạt như trước.

Báo cáo thường niên của VNG - một trong những cổ đông lớn nhất nắm 24% của Tiki -  vừa hé lộ con số lỗ khổng lồ của trang thương mại điện tử này năm 2019 với gần 1.800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này chỉ lỗ hơn 750 tỷ đồng. Mức lỗ của Tiki cũng tiệm cận với hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực này là Lazada và Shopee, với khoản lỗ năm 2018 lần lượt là 1.773 tỷ và 1.901 tỷ đồng.

Tiki đang ngày càng thua lỗTiki đang ngày càng thua lỗ

Nếu xét về quy mô lỗ lũy kế tổng thể, Tiki vẫn có phần lép vế hơn hai đối thủ cạnh tranh, vốn được hậu thuẫn rất mạnh từ những công ty mẹ nước ngoài. Tuy vậy những con số này cũng cho thấy, cuộc đua "đốt tiền" dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù cách tiếp cận nay đã khác.

Tiki, cái tên sáng giá đối chọi được với những nền tảng thương mại điện tử vốn ngoại, tăng lỗ đột biến trong năm 2019 khi hướng đến gia tăng trải nghiệm người dùng bằng việc ra mắt tính năng mới như livestream TikiLIVE và đầu tư cho phát triển hệ thống kho bãi, giao hàng nhanh. Sàn này cũng dành một phần tiền không nhỏ để tăng mức độ nhận diện với khách hàng trẻ thông qua các MV âm nhạc.

Cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử, thực tế, giờ chỉ gói gọn trong bốn cái tên là Shopee, Sendo, Tiki và Lazada. Và khi thị trường đã có bước chuyển, cuộc đua đốt tiền cũng thay đổi từ cạnh tranh về khuyến mại và những sự kiện mua sắm giống hệt nhau sang những hướng đi riêng.

Những động thái này thực tế đã cho thấy cuộc chơi thương mại điện tử dù thay đổi nhưng vẫn xoay quanh theo phương thức "đốt tiền". Điểm khác là tiền được đốt vào những dự án mới, những cách thức thu hút người dùng mới. Và dù thị trường đã dần được định hình, cuộc chiến này dường như còn gay gắt hơn trước.

 T.N