TikTok đã thực hiện 04 nội dung trong kết luận thanh tra từ tháng 10/2023, bao gồm: Tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em; các vấn đề liên quan bản quyền (trong đó, một số nội dung TikTok đã triển khai, một số nội dung đang tiếp tục triển khai như bổ sung đầu mối giải quyết vấn đề bản quyền, rút ngắn thời gian giải quyết...);
Các vấn đề phối hợp thực hiện truyền thông chính sách với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); phối hợp với Bộ TT&TT triển khai các chiến dịch truyền thông để nâng cao ứng xử người dùng trên mạng thông qua các chiến dịch mà Bộ TT&TT phát động, kêu gọi các nhà sáng tạo nội dung tham gia quảng bá và lan toả nội dung, kêu gọi người dùng trên mạng chống lại tin giả.
Trong đó, 03 nội dung đang trao đổi cách thức triển khai bao gồm: Ngăn chặn 100% nội dung vi phạm pháp luật; không sử dụng thuật toán để tạo xu hướng hoặc đề xuất nội dung vi phạm đến người dùng; nâng cấp công cụ tìm kiếm, rà quét hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với hình thức livestream (phát trực tiếp).
Tuy nhiên, có 02 vấn đề TikTok chưa chấp thuận triển khai về nội dung bao gồm: Uỷ quyền cho pháp nhân tại Việt Nam để thực hiện quản lý và xử lý các vi phạm theo yêu cầu của cơ quan quản lý của Việt Nam. Tiktok đưa ra lý do, quy định pháp luật chưa có nên chưa có cơ sở thực hiện. Nội dung thứ hai, nền tảng này chưa chấp thuận thực hiện là có thoả thuận với cơ quan báo chí về triển khai các bản quyền các nội dung báo chí đưa lên TikTok. Với 02 nội dung này, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán để yêu cầu TikTok phải thực hiện nghiêm.
Liên quan đến hiện tượng mua bán livestream lừa đảo trên TikTok, thực trạng mua bán livestream, dịch vụ cờ bạc… là những hành vi vi phạm pháp luật. Việc tổ chức livestream, quảng bá cho các dịch vụ vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định tại NĐ 72/2013/NĐ-CP. Cụ thể như báo chí phản ánh, mua bán livestream cờ bạc đã xuất hiện trên TikTok để lôi kéo người dân với các lời mời chào tham gia giải thưởng lớn, Bộ sẽ chuyển thông tin trên đến TikTok nói riêng và các nền tảng nói chung để xử lý, ngăn chặn và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tình trạng bán hàng giả, không rõ nguồn gốc dịp cuối năm tăng cao và bán công khai trên nền tảng TikTok, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, việc quản lý hàng giả, hàng nhái thuộc trách nhiệm của Bộ TT&TT với vai trò quản lý chuyên ngành thương mại điện tử trên môi trường mạng.
Từ đầu năm đến nay, Bộ TT&TT đã yêu cầu Facebook ngăn chặn và gỡ bỏ 107 hội nhóm. Đây là các hội nhóm có nhiều nội dung độc hại với trẻ em như khuyến khích tự tử, hình ảnh đồ trụy, phản cảm về trẻ em, hình ảnh trẻ em vi phạm luật giao thông; kêu gọi lừa đảo, cướp ngân hàng, hướng dẫn trốn nợ...
Thời gian qua, các nền tảng xuyên biên giới khi cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với Bộ Công thương. Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công thương trong trường hợp, Bộ Công thương phát hiện các nền tảng vi phạm mà yêu cầu xử lý bằng các biện pháp hành chính. Các biện pháp khác không đủ răn đe thì có thể yêu cầu Bộ TT&TT ngăn chặn các dịch vụ này trên môi trường mạng.
Tâm An (t/h)