Trong hai ngày 1/3 và 2/3, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc gặp mặt đánh giá tình hình, đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho DN gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, hiện nay “sức khỏe” của cộng đồng DN Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất.
Tình hình DN năm 2020 có sự giảm sút về số lượng DN thành lập mới với hơn 134.900 DN, giảm 2,3% so năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong năm 2020 là hơn một triệu lao động, giảm 16,9% so năm 2019.
Hai tháng đầu năm 2021 đã có 33.611 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 3.595 DN, tăng 28,1% so cùng kỳ năm 2020.
Đáng nói, có tới 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN giải thể tăng. Sở dĩ số DN gặp khó khăn còn lớn là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 3 ở trong nước. Ngành du lịch tiếp tục là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất khi thị trường khách quốc tế vẫn cơ bản giảm sút tới hơn 99%, thị trường nội địa gặp khó vì dịch bệnh. Ngành du lịch rất cần Chính phủ có những hỗ trợ đặc biệt để sớm phục hồi.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, với các DN sản xuất dệt may, tình hình có khá hơn nhưng điều đó không có nghĩa là DN sống tốt. Đơn hàng không thiếu nhưng giá lại giảm. Chưa kể, các DN, đặc biệt DN nằm trong vùng dịch gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh do không có sự thống nhất. Việc thiết kế gói hỗ trợ cho DN trên tiêu chí và điều kiện đưa ra phải hợp lý, sát thực tế hơn để DN dễ dàng tiếp cận.
Thứ trưởng KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, bộ nhận định các đối tượng bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 đã thu hẹp lại, gồm: ngành du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, lưu trú, ăn uống… Ngoài ra, có một số DN vận tải, trong đó có vận tải hàng không. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT sẽ đánh giá tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động thuộc từng lĩnh vực; đánh giá các giải pháp sao cho đúng, cho trúng; rà soát các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi; nguồn lực ở đâu và thực hiện như thế nào.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nếu Việt Nam không có một nền sản xuất thật sự, tiến tới quy mô lớn hơn dựa trên đổi mới sáng tạo nhiều hơn thì kinh tế của chúng ta không thể bứt phá sau dịch bệnh. Sau dịch bệnh, các nước đẩy mạnh phục hồi kinh tế thì chúng ta lại trở về với vạch đích ban đầu, nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu.
Do vậy, cần phải tận dụng lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh để đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Mặc dù những số liệu thống kê vẫn khá khả quan, nhưng với thực tế dịch Covid-19 đã có những ngày diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương vừa qua cũng cho thấy nền kinh tế cần có sự chuẩn bị cho kịch bản cập nhật hơn.
Có cùng quan điểm này, TS Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ở thời điểm hiện nay, những chính sách ưu đãi cần phải đặt lên bàn cân để có những tính toán hợp lý, từ đó hỗ trợ hiệu quả nhất cho DN. Đơn cử, để kích thích DN tiếp tục đầu tư vào sản xuất và kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn. Đến giờ sức khỏe của khu vực DN vẫn còn yếu, vì vậy việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay vẫn rất cần thiết.
Ông Nguyễn Đình Cung chỉ rõ, các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN không có nhiều ý nghĩa như năm 2020 bởi thực tế là DN đã không có thu nhập sau một năm khó khăn vì Covid-19. Tuy nhiên, giảm thuế VAT lại có thể tác động trong việc kích thích tiêu dùng, từ đó gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất của DN... Do vậy cần tiếp tục giảm thuế VAT. Cùng với đó, nên xem xét tới gói kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021, ngoài cải cách thì cần ưu tiên phục hồi kinh tế. Chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chứ không phải chỉ là hỗ trợ. Hiện tại, cần khuyến khích DN mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn nữa chứ không chỉ cứu những DN đã “chết”.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu diễn biến dịch bệnh phức tạp tăng trưởng kinh tế có lẽ sẽ ở mức khoảng 5% - 5,5% và để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đặt ra thì ổn định vĩ mô vẫn phải tiếp tục được duy trì, kiểm soát tốt dịch bệnh và cần đẩy nhanh phục hồi kinh tế với giải pháp tốt cùng với sự điều hành rõ ràng và quyết liệt.
Đặc biệt, để đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong tình hình này đòi hỏi và cần phải có những giải pháp điều hành khác biệt, phi truyền thống; không thể áp dụng quy trình ra quyết định như cũ, đổi mới cách thức ra quyết định là việc cần làm ngay. Tư duy và phương châm hành động này chắc chắn sẽ phải tiếp tục trong năm 2021 và xa hơn nữa, bởi sắp tới sẽ có rất nhiều biến động bất thường, không đoán trước được.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, thực chất hơn, trên một phạm vi rộng lớn hơn trước đây đúng như tinh thần và nội dung của đột phá thể chế mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định.
Quốc Bình