Theo phân tích của BSC, trước diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thế giới và áp lực bán mạnh của khối ngoại, dòng tiền bắt đáy trong nước tại vùng trũng giá vẫn tích cực, qua đó giúp VN-Index giữ trên 1,160 điểm. Sau tuần tăng mạnh, nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã có sự phân hóa, thị trường cũng ghi nhận 10/19 ngành ngành tăng điểm và 181 cổ phiếu tăng so với 193 cổ phiếu giảm. Tiếp theo đà tăng mạnh của nhóm Dầu khí tuần trước, nhóm cổ phiếu Thép tăng mạnh tuần này, đóng góp cho mức tăng 4.6% của ngành Tài nguyên cơ bản. Thị trường đang thiếu tính đồng thuận và thông tin hỗ trợ để vượt 1,200 điểm dù vậy lực cầu bắt đáy tích cực cho thấy thị trường cũng khó giảm sâu. Biến động tích lũy chờ tin trong khoảng 1,127 – 1,200 dự báo vẫn là vận động chính trong tuần tới.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ổn định và giảm gần về mức cuối tháng 1/2021. Lãi suất qua đêm, 1 tuần, 1 tháng lần lượt ở mức 0.2%, 0.4% và 0.8%, giảm lần lượt 0.6%, 0.6% và 0.4% so cuối tuần trước. Ngân hàng nhà nước tiếp tục hút ròng trên thị trường OMO khi khối lượng chào bán trước Tết đáo hạn. Một số ngân hàng sau Tết tiếp tục giảm lãi suất huy động và điều chỉnh giảm giá mua USD. Điều này đang cho thấy những biến động mạnh có tính thời vụ đã qua và hệ thống ngân hàng đã quay lại trạng thái bình thường. Biến động về lợi tức Trái phiếu chính phủ Mỹ chưa ảnh hưởng đến định hướng chính sách hiện tại. Ảnh hưởng này có chăng tác động đến thị trường Trái phiếu và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu.
Tâm lý thị trường bị dẫn bắt bởi diễn biến tăng mạnh của lợi tức trái phiếu Chính phủ 10 năm.
Dự luật cứu trợ 1,900 tỷ USD dự kiến thông qua toàn thể hạ viện trong tuần này trước khi chuyển sang Thượng viện. Cùng với đó, Chủ tịch FED đưa ra thông điệp nền kinh tế còn cách xa với mục tiêu việc làm và lạm phát và cam kết duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cũng chỉ giúp thị trường chứng khoán Hoa Kỳ hồi phục 1 phiên và giảm trở lại trước biến động tăng cao của lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Mỹ. Các thị trường chủ chốt khác cũng giảm bình quân 2%, trong đó thị trường chứng khoán Nhật giảm 4.2%. Ngoại trừ nhóm kim loại quý giảm điểm, chỉ số hàng hóa tiếp tục tăng 1.2% với sự dẫn dắt của giá dầu và hầu hết các hàng hóa khác. Nhóm hàng hóa tăng mạnh trên 6% gồm Dầu, Café, Quặng sắt và Cao su.
Tâm điểm cuộc họp OPEC+ giữa tuần tới tập trung vào việc nới lỏng hạn chế sản lượng năm 2021, theo đó OPEC có khả năng tăng sản lượng 500 nghìn thùng/ngày sau khi giá dầu hồi phục mạnh gần đây. Trước đó Saudi Arabia tự cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3 và hoạt động này có thể kết thúc trong tháng 3 dù nước này vẫn cảnh báo các nước thành viên thận trọng gia tăng sản lượng.
Cung dầu đá phiến dự báo giảm từ 140 nghìn thùng xuống 7.16 triệu thùng/ ngày và bối cảnh giá dầu tăng mạnh trên 60 USD/thùng gợi mở về khả năng nới hạn chế cung dầu từ các thành viên OPEC. Ngoài ra ra, giá dầu hiện tại cũng cao hơn giá sản xuất các Công ty Hoa Kỳ cũng có thể lý do các thành viên OPEC+ tăng sản lượng để tránh mất thị phần. Diễn biến giá dầu tuần tới sẽ phụ thuộc đáng kể của OPEC+. Biến động này cũng ảnh hưởng đến vận động giá của các hàng hóa khác, vốn đang tạo áp lực đến tâm lý lạm phát ngắn hạn.
PV