
Tín dụng ngân hàng - Trụ cột chính của nền kinh tế
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và hướng đến tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc FiinRatings, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng bền vững, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng với mục tăng trưởng tín dụng dự kiến 16%.
Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam được đánh giá ổn định và cao hơn so với khu vực, nhưng các ngân hàng vẫn đang đối diện với thách thức về độ đệm vốn. Ông Ivan Tan - Giám đốc Xếp hạng định chế tài chính, S&P Global Ratings, nhấn mạnh rằng việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng, tuy nhiên, tại những ngân hàng tốt nhất của Việt Nam, tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt ngưỡng tối đa.
Mở rộng thị trường vốn - Giải pháp tăng trưởng bền vững
Một vấn đề quan trọng được nêu ra tại hội thảo là nhu cầu khai thông thị trường vốn để giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần phục hồi, nhưng lượng huy động vốn từ khu vực phi ngân hàng vẫn hạn chế.
Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), ông Thomas Jacobs, đề xuất Việt Nam cần đa dạng hoá các công cụ tài chính để huy động các nguồn vốn mới, giảm phụ thuộc vào thị trường cho vay truyền thống.
Theo ông Thuân, Việt Nam cần tạo nền tảng thu hút và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, thiết lập khung chiến lược phân bổ vốn dựa trên mức độ rủi ro.
Trong bối cảnh kinh tế mới, việc khai thông thị trường vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là yêu cầu bắt buộc để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và cao hơn trong những năm tới.
Phương Thảo (t/h)