Với đề xuất giảm 03 loại thuế trên, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 có nghĩa là Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 04 loại thuế liên quan đến xăng dầu.
Bộ Tài chính ước tính, trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 07/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/08/2022 thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng - GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.
Nếu tính cả phần ước giảm thu NSNN theo Nghị quyết 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng) thì tổng giảm thu NSNN bình quân một tháng ước khoảng 4.061 tỷ đồng/tháng và cả năm là khoảng 20.305 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.
Theo Bộ Tài chính, cần thiết phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống còn 12% đối với mặt hàng xăng để đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN.
Việc tiếp tục đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu của Bộ Tài chính, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Việc giảm thuế sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.
Điều này càng có ý nghĩa hơn khi lạm phát đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Do xăng dầu tăng liên tục và hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nên đã hình thành một mặt bằng giá mới, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã tăng từ 5-10%, có loại tăng cao từ 25-30%, đã tác động xấu tới đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, người nghèo và người có thu nhập thấp.
Q.N (t/h)