Xin bà chia sẻ những nội dung trọng tâm tại Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) lần này?

Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ) là diễn đàn nơi tất cả 193 quốc gia thành viên cùng thảo luận và giải quyết các vấn đề quan trọng theo Hiến chương LHQ: Hòa bình, an ninh và phát triển. Thông qua quyền triệu tập, ĐHĐ thúc đẩy đối thoại đa phương và xác định các ưu tiên cho hợp tác toàn cầu như hành động vì khí hậu, nhân quyền và giải quyết xung đột.

Ảnh tạp chí Tuyên giáo.
Tính 'cách mạng' của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai và vai trò quan trọng của Việt Nam. Ảnh tạp chí Tuyên giáo.

Lời kêu gọi tái thiếtvà tăng cường hợp tác đa phương là trọng tâm khóa họp thứ 79 của ĐHĐ LHQ. Bên cạnh đó là việc sử dụng các nguồn lực chung để thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Phát triển bền vững đóng vai trò trung tâm với động lực mới cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt trong việc hỗ trợ các khu vực dễ bị tổn thương. Thông điệp rất rõ ràng: Chúng ta phải chống lại đói nghèo và bất bình đẳng, đồng thời bảo vệ môi trường.

Hòa bình và an ninh cũng rất quan trọng với trọng tâm là phòng ngừa xung đột và giải pháp hòa bình ở những nơi như Gaza, Ukraine, Haiti và Châu Phi. Giảm chi tiêu quân sự và xây dựng lòng tin được coi là điều cần thiết để đạt được hòa bình toàn cầu.

Nhân quyền và phẩm giá vẫn là cốt lõi, ủng hộ bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là động lực chính của tiến bộ. Phiên họp nhấn mạnh rằng, nhân phẩm phải được duy trì ở mọi nơi, cho tất cả mọi người.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis. (Ảnh: UN Vietnam)
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis. (Ảnh: UN Vietnam)

Đổi mới công nghệ được coi là con dao hai lưỡi. Khóa họp lần thứ 79 của ĐHĐ LHQ nhấn mạnh nhu cầu khai thác các sáng kiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo vì lợi ích chung và đảm bảo tiếp cận công bằng. Tăng cường luật pháp quốc tế và chống lại các mối đe dọa toàn cầu như khủng bố và buôn người cũng là những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự.

Tăng trưởng kinh tế và công bằng nhấn mạnh vào tăng trưởng bền vững, toàn diện thông qua đổi mới sáng tạo và nền kinh tế xanh, đảm bảo các quốc gia đang phát triển không bị tụt hậu trong nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh dó, Khóa họp lần thứ 79 của ĐHĐ LHQ cũng nhấn mạnh đến trao quyền cho thanh niên, thế hệ được coi là lực lượng chuyển đổi cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng, Khóa họp kêu gọi cải cách thể chế, thúc đẩy việc cập nhật hệ thống LHQ, bao gồm Hội đồng Bảo an và các cơ chế tài chính, để phản ánh tốt hơn thực tế của những thách thức toàn cầu ngày nay.

Tóm lại, Khóa họp lần này tập trung vào việc đổi mới cam kết toàn cầu để cùng nhau giải quyết những thách thức hiện nay, hướng tới một tương lai hòa bình, thịnh vượng và bền vững hơn. Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai sẽ là điểm nhấn của của Khóa họp.

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt hai năm qua với nhiều kỳ vọng có thể tạo ra bước thay đổi quan trọng ở cấp toàn cầu. Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị cũng như sự tham gia của Việt Nam?

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là thời điểm then chốt trong hợp tác toàn cầu. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mà các hệ thống quốc tế hiện tại (được thiết kế từ nhiều thập kỷ trước) khó có thể xử lý, từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng đến sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).

Thế giới đã thay đổi, nhưng các thể chế của chúng ta vẫn chưa theo kịp. Hội nghị thượng đỉnh lần này nhằm mục đích cải tổ các cấu trúc lỗi thời đó, tạo ra một khuôn khổ mới cho quản trị toàn cầu mang tính toàn diện, hiệu quả và sẵn sàng cho thế kỷ XXI. Mục tiêu là xây dựng các hệ thống có thể giải quyết các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, chứ không phải những vấn đề mà chúng ta đã phải đối mặt cách đây gần 80 năm khi LHQ được thành lập.

Sự tham gia của Việt Nam vào Hội nghị thượng đỉnh là rất quan trọng. Là quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam có lợi ích trong việc định hình lại các cấu trúc tài chính toàn cầu để đảm bảo tiếp cận nguồn tài chính phù hợp cho phát triển bền vững.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc tại khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9-2023. Ảnh: LIÊN HỢP QUỐC
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc tại khóa họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9/2023. Ảnh LIÊN HỢP QUỐC.

Việt Nam đóng góp tiếng nói và vai trò đi đầu trong các cuộc thảo luận quan trọng về biến đổi khí hậu (một lời nhắc nhở kịp thời về tình trạng dễ bị tổn thương của một quốc gia đang phát triển trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là ngay sau cơn bão Yagi gây ra thiệt hại to lớn đối với những nhóm dễ bị tổn thương).

Bằng cách tham gia thảo luận tích cực, Việt Nam có thể ủng hộ cải cách ưu tiên các nước đang phát triển và đóng góp vào việc xây dựng các thể chế quốc tế toàn diện, có khả năng phản ứng nhanh hơn.

Hội nghị thượng đỉnh cũng tạo ra cho Việt Nam một nền tảng để hợp tác với các nhà lãnh đạo toàn cầu, đảm bảo rằng các quan điểm và thách thức của Việt Nam được giải quyết trong nỗ lực theo đuổi một tương lai công bằng và bền vững hơn. Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội quan trọng để Việt Nam dẫn đầu và đóng góp vào các cuộc đối thoại toàn cầu cũng như các hành động tiếp theo.

Trong bài phát biểu được ghi âm gửi tới Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng Hội nghị thượng đỉnh lịch sử này sẽ mang lại tư duy mới và phương thức hoạt động mới cho tương lai của thế giới. Ông cũng thừa nhận rằng đây là cơ hội tuyệt vời để tái khẳng định các giá trị không thể thay thế của LHQ và chủ nghĩa đa phương trước những thách thức to lớn hiện nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xác định rằng “những chuyển đổi phải bắt đầu bằng những tiến bộ trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và LHQ phải đi đầu trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý để chia sẻ thông tin, hỗ trợ các quốc gia phát triển những công nghệ đột phá một cách an toàn, bảo mật".

Đáng chú ý không kém là đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về việc "thành lập một nền tảng công nghệ xanh toàn cầu, nơi ASEAN và các tổ chức khu vực khác có thể chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy phát triển công nghệ xanh".

Với những đóng góp tích cực của Việt Nam vào Hội nghị thượng đỉnh và những nỗ lực chung nhằm tăng cường hòa bình, hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, LHQ tại Việt Nam tin tưởng rằng cùng nhau, "chúng ta có thể đạt được các mục tiêu của Hội nghị thượng đỉnh và đặt nền tảng vững chắc cho các thế hệ tương lai".

Bà nhận định như thế nào về tính cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề toàn cầu trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, từ hệ lụy của cơn bão lịch sử Yagi?

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai hướng đến mục tiêu thúc đẩy hành động ngay lập tức và tập thể để giải quyết các cuộc khủng hoảng cấp bách cũng như các vấn đề mới nổi đe dọa đến sự tồn tại của loài người.

Chúng ta đang ở giữa "sự hỗn loạn khí hậu ngoài tầm kiểm soát", mực nước biển dâng cao, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và suy thoái môi trường đang tăng tốc đáng báo động. Bão Yagi và hậu quả của nó ước tính sẽ gây thiệt hại 1,6 tỷ USD cho Việt Nam với mức giảm dự kiến ​​0,15 % GDP của Việt Nam năm 2024.

Nếu chúng ta không hành động nhanh chóng, sự hỗn loạn khí hậu này có thể dẫn đến thiệt hại không thể phục hồi, đe dọa hệ sinh thái, an ninh lương thực, sức khỏe và sự ổn định kinh tế trên toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là một trọng tâm của Khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Nguồn: un.org)
Hội nghị thượng đỉnh Tương lai là một trọng tâm của Khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nguồn un.org.

Cùng với đó, chúng ta cần thúc đẩy hợp tác toàn cầu vào thế kỷ XXI để giải quyết mối đe dọa hiện hữu này trước khi quá muộn. Không chỉ là hành động – mà là cùng nhau hành động, khẩn trương và thiện chí. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể hy vọng đảm bảo một tương lai đáng sống cho tất cả mọi người.

Theo bà, giới trẻ đóng vai trò như thế nào trong các nỗ lực toàn cầu, hướng tới phát triển và đảm bảo một tương lai bền vững?

Giới trẻ đóng vai trò cần thiết trong cuộc vận động toàn cầu hướng tới một tương lai bền vững. Chúng tôi coi thanh niên là những đối tác thực sự trong những nỗ lực này. Những người trẻ tuổi mang đến những góc nhìn mới mẻ, năng lượng và quan trọng nhất là một viễn cảnh dài hạn để giải quyết những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và kiến tạo hòa bình.

Thanh niên thường là động lực thúc đẩy đổi mới và thay đổi xã hội, dẫn đầu các phong trào và đẩy mạnh các khuôn khổ định hình lại xã hội.

LHQ cam kết đảm bảo rằng thanh thiếu niên được tham gia một cách có ý nghĩa ở mọi cấp độ ra quyết định, đảm bảo rằng tiếng nói của họ không chỉ được lắng nghe mà thực sự góp phần định hình các chính sách.

Bằng cách đưa những người trẻ tuổi vào các nỗ lực toàn cầu, chúng ta có thể đưa ra các quyết định không chỉ hướng đến tương lai mà còn bao trùm hơn, mở đường cho một tương lai phản ánh nhu cầu và nguyện vọng của thế hệ tiếp theo.

Việt Nam khá may mắn. Người trẻ chiếm 21% dân số – hơn 21 triệu người – với tỷ lệ thanh niên hiện cao nhất trong lịch sử đất nước. Việt Nam nên tiếp tục tạo điều kiện cho thanh niên đưa ý tưởng, chuyên môn và năng lượng của mình vào các nền tảng ra quyết định ở cấp địa phương và toàn cầu.

Theo baoquocte.vn