Chứng khoán Vietcap vừa phát hành báo cáo về VinFast (mã VFS, sàn Nasdaq), sau khi tham dự cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 của công ty tổ chức vào ngày 20/9 vừa qua.

Theo Vietcap, trong quý 2/2024, doanh thu của VFS đạt 8.700 tỷ đồng, tăng 33% so với quý trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lỗ ròng 18.700 tỷ đồng, cao hơn với mức lỗ 14.700 tỷ đồng trong quý 1/2024 và mức 13.400 tỷ đồng trong quý 2/2023.

VF 3 - mẫu xe điện cỡ nhỏ của VinFast được yêu thích tại thị trường Việt Nam

Biên lợi nhuận gộp của VFS trong nửa đầu năm 2024 là -61%, so với mức -48% của năm 2023. Nếu loại trừ chi phí do đánh giá lại hàng tồn kho, biên lợi nhuận gộp điều chỉnh trong nửa đầu năm 2024 là -44%.

Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu của VFS đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái; lỗ ròng ở mức 33.500 tỷ đồng, cao hơn so với mức lỗ 27.700 tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm 2023.

Ban lãnh đạo VinFast duy trì kế hoạch bàn giao 80.000 ô tô điện trong năm 2024, nhờ vào danh mục mẫu xe đa dạng, tiếp cận nhiều thị trường và các kế hoạch kinh doanh đang triển khai. Đà tăng trưởng tại thị trường Việt Nam (thị trường chính) sẽ được thúc đẩy bởi các mẫu xe VF 5 và VF 3 giá cả hợp lý trong nửa cuối năm 2024, bù đắp cho những thánh thức trong ngắn hạn tại một số thị trường khác.

Công ty kỳ vọng biên lợi nhuận gộp và EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) sẽ lần lượt đạt điểm hòa vốn vào năm 2025 và 2026, với việc tối ưu hóa chi phí nguyên vật liệu - đóng vai trò quan trọng trong việc đạt lợi nhuận.

Trong quý 2/2024, chi phí nguyên vật liệu trung bình trên mỗi chiếc xe bàn giao đã giảm 16% so với quý trước và chi phí sản xuất trung bình trên mỗi chiếc xe bàn giao giảm 43%, do sản lượng xe bàn giao tăng và chi phí pin giảm, tối ưu hóa thiết kế... Mặc dù chi tiết về doanh số bàn giao và chi phí trên mỗi đơn vị cho từng mẫu xe không được công bố nhưng Vietcap cho rằng tỷ trọng bàn giao mẫu xe giá cả phải chăng nhiều hơn trong quý 2/2024 có thể cũng đóng góp vào việc giảm chi phí trên mỗi xe trong quý này.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý 2/2024, tổng các khoản vay, bao gồm khoản vay chuyển đổi của VFS từ các bên cho vay thứ ba là 71.300 tỷ đồng (giảm 3% so với quý trước và giảm 4% so với đầu năm). Tổng khoản phải trả cho các bên liên quan (bao gồm các khoản phải trả và các khoản vay) là 92.600 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2024. Tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt là 2.400 tỷ đồng.

Kết quả bàn giao xe của VinFast

Theo ban lãnh đạo VinFast, những nguồn huy động vốn chính dự kiến sẽ đến từ thỏa thuận phát hành vốn cổ phần trị giá 968 triệu USD với Yorkville về việc mua cổ phần VFS đã ký vào tháng 10/2023 và khoản tài trợ dự kiến 1 tỷ USD đến từ Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Ban lãnh đạo đã sắp xếp kế hoạch cho toàn bộ nghĩa vụ nợ vay đến hạn trong nửa cuối năm 2024, theo thỏa thuận với các bên cho vay.

Ban lãnh đạo dự kiến nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024 thấp hơn so với kế hoạch được nêu trước đó vào tháng 4/2024 (ở mức 1,0-1,5 tỷ USD). Việc điều chỉnh này phù hợp với kế hoạch của công ty.

VinFast được cho là sẽ đẩy nhanh tiến độ hai nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ và Indonesia (vốn xây dựng cơ bản giai đoạn 1 mỗi nhà máy là từ 150-200 triệu USD, công suất 50.000 xe/năm) với mục tiêu đi vào sản xuất vào năm 2025, thay vì năm 2026. Quyết định này nhằm tối ưu hóa việc phân bổ vốn, ưu tiên cho các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai gần.

Vietcap dự báo mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản trung bình cho VFS (bao gồm chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển) trong giai đoạn 2024-2025 đạt 20.900 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 1 của nhà máy tại Mỹ sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2027 và hai nhà máy tại Ấn Độ và Indonesia sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2026.

H. Thủy(Nguồn: https://mekongasean.vn/)