Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI đánh giá trên 8 tiêu chí gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Theo kết quả công bố Chỉ số PAPI năm 2021, tỉnh Lào Cai đạt 40,151/80 điểm, đứng thứ 48 trong 63 tỉnh, thành cả nước.

Điểm số của 8 chỉ số thành phần cụ thể: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4.36 điểm; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định đạt 5.21 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4.07 điểm,; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 5.96 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7.09 điểm; cung ứng dịch vụ công đạt 7.41 điểm; quản trị môi trường đạt 3.23 điểm; quản trị điện tử đạt 2.83 điểm.

Tỉ lệ thay đổi điểm ở 8 tiêu chí thành phần qua hai năm 2020 – 2021 của tỉnh Lào Cai cho thấy: Có một chỉ số có sự cải thiện đó là chỉ số thủ tục hành chính công, có hai chỉ số dậm chân tại chỗ là cung ứng dịch vụ công, quản trị điện tử; và bảy chỉ số sụt giảm, cụ thể: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở giảm 15.25 điểm; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định giảm 7.07 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân giảm 18.36 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công giảm 11.32 điểm.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hai đợt dịch Covid-19, chương trình nghiên cứu PAPI đã lấy được ý kiến của 15.833 người dân trên cả nước, nhiều nhất kể từ năm 2009 (khi nghiên cứu PAPI bắt đầu được thực hiện) tới nay, nâng tổng số người dân được PAPI phỏng vấn trong 13 năm qua lên tới 162.066 lượt người.

Theo Báo cáo PAPI năm 2021, so với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “Trách nhiệm giải trình với người dân” và “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.

Trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Mạnh