Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Phú Thọ: Đổi mới, sáng tạo thu hút đầu tư, hướng tới nông nghiệp xanh và bền vững

Ngành nông nghiệp Phú Thọ thời gian tới cần phát triển tích hợp đa giá trị của sản phẩm về kinh tế, xã hội, văn hóa bản địa, cảnh quan, môi trường dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho việc tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên…

Ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất chè xanh ở Văn Luông (Phú Thọ) mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất chè xanh ở Văn Luông (Phú Thọ) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Định hướng nền nông nghiệp sinh thái

Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có ngành nông nghiệp khá phát triển với đầy đủ đối tượng vật nuôi, cây trồng số lượng lớn. Thời gian vừa qua, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đã phát triển tương đối toàn diện, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp hàng hóa ngày càng rõ hơn. Trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Đến nay, cả tỉnh có diện tích lúa chất lượng cao đạt gần 28.000ha, chiếm 45% diện tích gieo cấy, hình thành 90 vùng trồng lúa chất lượng cao với tổng diện tích gần 9.000ha. Diện tích bưởi đạt gần 5.000ha, sản lượng bưởi gần 33.000 tấn, có 147 vùng sản xuất bưởi với tổng diện tích 720,8ha. Diện tích chè giữ ổn định trên 16.000ha, tỷ lệ giống chè giống mới, chè chất lượng cao chiếm 75% tổng diện tích; có 159 vùng sản xuất chè xanh với tổng diện tích trên 2.400ha…

Đánh giá ngành nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đã được định hướng đúng nên tăng trưởng tốt trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: “Với diện tích lớn khoảng 1.500 km2, dân cư khoảng 1,46 triệu người, trong nhiều năm qua, Phú Thọ xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, với tốc độ tăng trưởng khá và có điều kiện, thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp sinh thái gắn liền với du lịch".

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, trên cơ sở tiềm năng, dư địa, đất đai, khí hậu của địa phương, tỉnh Phú Thọ cần định hình lại những lợi thế trong chăn nuôi để có thể đưa vào quy hoạch phát triển; trong đó, tập trung nhiều hơn đến những sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương như gà nhiều cựa, chè, bưởi…

Hình thức gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản có bước phát triển. Một số hình thức tổ chức liên kết sản xuất đã cho hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất chuối xuất khẩu ở Tam Nông; rau an toàn ở Lâm Thao, Cẩm Khê; liên kết bao tiêu bưởi Diễn, cam với Vineco tại Thanh Thủy…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc tăng cường ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao chất lượng con giống cũng như chất lượng sản phẩm, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao cùng với kỹ thuật tiên tiến được đưa vào sản xuất.

Tổ chức sản xuất tập trung có sự chuyển biến tích cực với 18 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn, 220 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trang trại có tổng đàn trên 104 nghìn con; 6 doanh nghiệp đầu tư phát triển gà thịt, gà trứng với tổng đàn trên 600 nghìn; 357 cơ sở chăn nuôi gà quy mô trang trại, gia trại; 48 khu nuôi tập trung. Đến nay, sản lượng thịt hơi đạt 175 nghìn tấn, đạt 105,4% mục tiêu, sản lượng trứng gia cầm đạt 415 triệu quả.

Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cẩm Khê cho biết: Lĩnh vực nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt trong việc chuyển đổi các mô hình sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất các loại sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao hơn gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Cẩm Khê đã có trên 100 cơ sở chăn nuôi gà quy mô trang trại, gia trại, trong đó hơn 70 cơ sở chăn nuôi gà thịt có số lượng nuôi trên 2.000 con/lứa, tăng 90% so với năm 2015. Đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học kỹ thuật, dây chuyền hiện đại, tiên tiến với số lượng lớn lên tới hơn 300 triệu sản phẩm…

Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) được cấp chỉ dẫn địa lý và vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) được cấp chỉ dẫn địa lý và vinh danh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”

Một kết quả nổi bật khác của quá trình cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng nhờ những giải pháp nỗ lực trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ kết nối cung-cầu, sàn giao dịch điện tử, chợ truyền thống, đầu mối…

Tỉnh Phú Thọ đã hình thành 22 chuỗi cung ứng thực phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn; có 33 HTX, 115 trang trại thực hiện liên kết; 9 cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện đại…Nhiều HTX, trang trại đã ký kết hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. 

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được 85 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các doanh nghiệp, HTX, trang trại đang dần thể hiện được vai trò đầu tàu trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế hộ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. 

Doanh nghiệp đổi mới để phát triển

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Thọ cho biết: Các Hiệp định thương mại tự do mang cơ hội cho nông sản “bay cao, vươn xa”. Để thích ứng với thời cuộc, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao, các địa phương cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch đã đề ra trên cơ sở phát huy những lợi thế so sánh.

HTX rau an toàn Tứ Xã sơ chế, đóng gói đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường
HTX rau an toàn Tứ Xã sơ chế, đóng gói đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường

Theo đó, cần tập trung đổi mới hình thức sản xuất, quan hệ sản xuất; tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích kinh tế trang trại, gia trại phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học; phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Để tạo động lực mới cho nông nghiệp phát triển, phương thức sản xuất cần được thay đổi từ nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô lớn, tập trung trong từng lĩnh vực, từng sản phẩm; chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cao; xây dựng kế hoạch sản xuất theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản của địa phương theo mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Ông Mai Văn Quang (đại diện Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc) cho biết, đơn vị đang đầu tư thí điểm trồng chanh leo ở huyện Tân Sơn. Để thu mua sản phẩm ổn định, có lợi cho cả doanh nghiệp và người sản xuất thì tối thiểu diện tích trồng chanh leo ở Tân Sơn đáp ứng từ 80-100ha. Hiện quy mô chỉ khoảng 5ha, chi phí vận chuyển sản phẩm bị đội lên cao, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm dịch bệnh - khó xuất khẩu như hiện nay.

Với diện tích hơn 60ha trồng chè, trong đó sản phẩm chính là chè xanh (Bát Tiên, Mộc, LDP1), HTX chè Hoàng Văn (xã Văn Luông, huyện Tân Sơn) đang tập trung phát triển theo hướng sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao, phục vụ thị trường nội địa và hướng tới liên kết doanh nghiệp khác để xuất khẩu.  Đặc biệt, từ cuối năm 2020 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) gắn với dịch vụ bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây chè tại đây, bước đầu cho thấy những hiệu quả rõ rệt. 

Giám đốc HTX chè Hoàng Văn Đặng Đức Nam chia sẻ, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng và năng suất chè của HTX tăng cao. Năng suất chè tăng trung bình khoảng 1,4 tấn/ha/năm; lá chè dày hơn, nước có độ xanh và vị chè ngọt đọng lại lâu hơn. Các sản phẩm chè xanh của HTX Hoàng Văn được người tiêu dùng ưa chuộng, có chỗ đứng ổn định trên thị trường với giá trị cao, như chè Bát Tiên - 600.000 đồng/kg; chè Mộc - 400.000 đồng/kg và chè LDP1 - 300.000 đồng/kg. Trong năm 2019, chỉ tính riêng chè xanh, HTX đã tiêu thụ hơn 16 tấn, mang lại doanh thu hơn 7 tỉ đồng. 

“Bên cạnh đó, HTX chè Hoàng Văn đẩy mạnh đồng hành, giúp đỡ người dân tiêu thụ chè nguyên liệu bằng cách ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Chè Hoài Trung (xã Chí Tiên, Thanh Ba); HTX tìm đến các mô hình trồng chè ở Thái Nguyên để học tập kinh nghiệm chế biến chè chất lượng cao, tăng thời gian bảo quản… Hiện HTX đang hoàn thiện hồ sơ đáp ứng các chỉ tiêu để được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP trong năm 2021; từ đó, mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”, ông Đặng Đức Nam cho biết.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ Phan Văn Đạo, áp dụng hình thức quản lý ICM và dịch vụ BVTV sẽ giúp cho chất lượng chè thành phẩm đồng đều, giữ vững được thương hiệu, giá thành sản phẩm. Quan trọng nhất là tạo cho người trồng chè nâng cao ý thức về sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm túc việc ghi sổ nhật ký sản xuất theo mẫu VietGAP, đáp ứng đúng quy định để hướng tới nâng cao giá trị khi xuất khẩu. Từ mô hình này, Chi cục sẽ tiếp tục nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh để góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu chè Phú Thọ trên thị trường trong nước và quốc  tế. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lâm Thao nhấn mạnh, để xây nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, sản xuất nông nghiệp cần hoạt động theo hướng tăng hàm lượng khoa học đầu vào; ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm cao cũng rất cần được chú trọng; đồng thời ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống có khả năng cạnh tranh.
Hiện tại, huyện Lâm Thao đã xác định, lựa chọn một số sản phẩm (rau an toàn Tứ Xã, tương Dục Mỹ, bánh làng Dòng, gạo chất lượng cao J02...) là sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của địa phương; trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho rau an toàn Tứ Xã và tương Dục Mỹ phát triển, chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP.

Mô hình trồng nho hạt đen xã Chí Tiên (Phú Thọ) mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mô hình trồng nho hạt đen xã Chí Tiên (Phú Thọ) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho rằng, với vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để thay đổi phương thức sản xuất, vấn đề quyết định ở đây phụ thuộc vào chính sự thay đổi tư duy của bà con nông dân. Cùng với sự đồng hành của Nhà nước trong việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách, không ai khác, người nông dân phải chủ động thay đổi để thích ứng với thời cuộc ngay từ chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình, xóa bỏ tư duy tự cung tự cấp, coi đây là lối thoát căn bản để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Thực tế, việc đổi mới phương thức sản xuất rất cần có sự hợp tác, tổ chức liên kết, sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, đây là một trong những yếu tố quyết định việc nâng cao giá trị, tạo đầu ra cho nông sản bền vững. Vì vậy, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, có sự liên kết giữa các “nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân là rất quan trọng; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Trước mắt, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn; tiếp tục đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ tập trung đất đai, tạo quỹ đất lớn liền vùng, liền thửa thuận lợi cho việc canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất…

Mục đích phát triển nông nghiệp bền vững được xác định là kiến tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tốc độ tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao. Từ “trái ngọt” đạt được cùng các tiềm năng, lợi thế cũng như các giải pháp đồng bộ sẽ là nền tảng để sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ tiếp tục có bước phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Nhờ đẩy mạnh các giải pháp, có cơ chế phù hợp khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 110 dự án được chấp thuận đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 12,5% tổng số dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh) với tổng vốn đăng ký 5.755 tỷ đồng.

Năng lực sản xuất nông nghiệp ngày càng có chiều hướng gia tăng nhưng thị trường tiêu thụ vẫn diễn biến khó lường; khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản mặc dù đã được cải thiện nhưng chưa đảm bảo.

Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, làm cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo ra những rào cản trong nông nghiệp phát triển bền vững.

Hoan Nguyễn

Bài liên quan

Tin mới

Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 4/5
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 4/5

Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 4/5 về các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

HĐND tỉnh Quảng Ninh giám sát việc thực hiện thu ngân sách của thành phố Cẩm Phả
HĐND tỉnh Quảng Ninh giám sát việc thực hiện thu ngân sách của thành phố Cẩm Phả

Ngày 3/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh thực hiện giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 đối với UBND thành phố Cẩm Phả.

Năm 2024, Hải Phòng hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân với chất lượng tốt
Năm 2024, Hải Phòng hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân với chất lượng tốt

Sáng 3/5, Hội đồng nghĩa vụ TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố chủ trì Hội nghị.

Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nam Định lần thứ XI năm 2024
Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nam Định lần thứ XI năm 2024

Chiều 3/5, Lễ khai mạc Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nam Định lần thứ XI năm 2024 chính thức được diễn ra tại Cung Thể thao tỉnh Nam Định, thành phố Nam Định.

Bình Định: Lần đầu tiên tổ chức Giải Teqball Quốc tế
Bình Định: Lần đầu tiên tổ chức Giải Teqball Quốc tế

Theo tin từ Liên đoàn Teqball quốc tế, khoảng đầu tháng 6/2024, tại TP. Quy Nhơn sẽ diễn ra Giải thi đấu Quốc tế Teqball 2024. Đây là Giải Teqball Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Định – Việt Nam.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện Quyết định số 410/QĐ-TCQLTT ngày 20/02/2024 của Tổng cục Quản lý thị trường về ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024. Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 308/QĐ-QLTTTH về Kế hoạch phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực năm 2024.