Tỉnh Thanh Hóa lựa chọn phát triển 5 loại con nuôi chủ lực gồm: bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn, gia cầm và trâu thịt.
Lợn là một trong 05 loại vật nuôi chủ lực được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn phát triển 

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng cơ hội, chuyển hóa thách thức để tạo ra sự phát triển đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo sự phát triển bền vững về xã hội và môi trường, tỉnh Thanh Hoá đang hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng. 

Việc lựa chọn phát triển năm loại con nuôi chủ lực gồm: Bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn, gia cầm và trâu thịt để phát triển, ngoài việc thay đổi các cơ chế, chính sách để cơ sở tạo ra nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp; vận dụng linh hoạt các chính sách chung để thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hoá còn nhằm mục đích khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh.

Từ đó, có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất, chế biến, cung cấp sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn, chất lượng, sạch, sinh thái, an toàn, giá trị kinh tế cao gắn với thị trường dựa trên lợi thế cạnh tranh.

Đối với năm loại con nuôi chủ lực, tỉnh Thanh Hoá luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi theo hướng tập trung, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, khép kín; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nuôi theo quy trình VietGAHP; tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định, nhất là đối với gà nuôi quy mô theo hướng công nghiệp.

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ lựa chọn các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trong đó người chăn nuôi bổ sung thức ăn cho vật nuôi đủ hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất cũng như cho ăn đúng giờ để đảm bảo vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Thanh Hóa khuyến cáo chủ đàn vật nuôi giữ nhiệt độ phù hợp trong trại; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học để bảo vệ môi trường.

Riêng đối với đàn trâu và bò thịt chất lượng cao, ngành chăn nuôi của tỉnh luôn chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong việc chọn tạo giống. Mỗi năm, các địa phương trên địa bàn đã thực hiện thụ tinh nhân tạo được khoảng 27 nghìn liều tinh bò; 2,5 nghìn liều tinh trâu Murrah Ấn Độ; tỷ lệ đàn bò lai Zebu đạt 63%; du nhập một số giống bò BBB, Droughtmaster, RedAgus và tinh đông lạnh để phối giống với đàn bò cái nền lai Zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò.

Các biện pháp đã được áp dụng, như sử dụng tinh bò nhóm Zebu thuần phối giống cho đàn bò nội để nâng cao tầm vóc, sử dụng tinh bò BBB phối giống với bò cái lai Zebu để tạo đàn bò thịt, sử dụng tinh trâu nội và tinh trâu Murrah để phối giống cho đàn trâu cái... Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20 - 30%...

Việc lựa chọn phát triển năm loại vật nuôi chủ lực sẽ giúp ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hoá thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển chăn nuôi theo chuỗi.

Hoài Thu