THCL Sáng ngày 20-4, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Cục trưởng Đỗ Xuân Hạ tháp tùng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dự tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập”. Tham dự cuộc tọa đàm có các các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị, tính đến 31-12-2014, số làng nghề và làng có nghề nước ta là 5.096. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, là địa phương có làng nghề, làng có nghề nhiều nhất trên địa bàn cả nước. Trong đó, 286 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Có nhiều làng nghề tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ ra mô hình sản xuất kinh doanh của các làng nghề chậm thay đổi, chủ yếu là cá nhân hay hộ gia đình. Mô hình Hợp tác xã mới còn ít. Làng nghề gặp trở ngại trong tìm kiếm thị trường, phát triển mẫu mã. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay còn hạn chế, môi trường nhiều làng nghề còn chưa được chú ý, đặc biệt là những làng nghề gia công chế biến kim loại, chế biến nông sản. Công tác quản lý nhà nước ở các làng nghề còn phân tán… Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ Công Thương đã dành nhiều hoạt động hỗ trợ cho khu vực làng nghề phát triển, như: Chương trình Khuyến công quốc gia, Xúc tiến thương mại... Hai năm một lần Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, đưa Tham tán về các địa phương tìm hiểu sản phẩm, đề xuất giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Việt Nam, trong đó có không ít sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Xuân Thủy