Sự kiện được tổ chức nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và Tháng Hành động quốc gia vì trẻ em 2025.
Sự kiện thu hút hơn 120 người tham dự, bao gồm thiếu niên từ 13-16 tuổi, phụ huynh, đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, chuyên gia giáo dục - tâm lý, và các nhà sáng tạo nội dung tích cực trên nền tảng số. Thông qua các phiên thảo luận đa chiều và sáng tạo, các bên cùng nhau chia sẻ trải nghiệm, đề xuất giải pháp và lan tỏa thông điệp về quyền được an toàn và khỏe mạnh trong môi trường số cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Các mục tiêu chính của Toạ đàm bao gồm:
Lắng nghe tiếng nói thực tế từ thiếu niên và phụ huynh về trải nghiệm sử dụng TikTok, những băn khoăn, thách thức và đề xuất nhằm tăng cường sự an toàn và khỏe mạnh trong không gian số.
Thúc đẩy đối thoại đa bên giữa nhà hoạch định chính sách, nền tảng công nghệ, tổ chức xã hội, cộng đồng và thanh thiếu niên.
Tăng cường năng lực làm cha mẹ trong thời đại số, qua việc hiểu và đồng hành cùng con, không kiểm soát mà hướng dẫn và kết nối.
Phát biểu khác mạc sự kiện, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ “Tọa đàm hôm nay là minh chứng cho một điều rất quan trọng: Trẻ em và thanh thiếu niên không chỉ là đối tượng cần được bảo vệ, mà còn là những người có tiếng nói, có góc nhìn và có năng lực góp phần xây dựng một không gian số lành mạnh, an toàn và văn minh. Thế giới số không chỉ là nơi tiêu thụ thông tin, mà là nơi định hình bản sắc, kết nối cộng đồng và lan toả ảnh hưởng. Và Gen Z - thế hệ lớn lên cùng công nghệ xứng đáng được tin tưởng, trao quyền và đồng hành đúng cách.
Với cách tiếp cận Công dân số chuẩn - SNET, chúng tôi tin rằng mỗi bạn trẻ đều có thể trở thành người biết giữ an toàn cho bản thân và người khác (Safe), sử dụng công nghệ một cách thông minh (Netizen Smart), phát triển bản thân tích cực (Empowered) và hành động vì cộng đồng mạng tích cực hơn (Thoughtful & Together). Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, không ai có thể đi một mình.
Gia đình - nhà trường - nền tảng công nghệ - tổ chức xã hội - và chính các bạn trẻ, tất cả đều phải cùng cam kết và cùng hành động. Khi tất cả các bên cùng cam kết, trẻ em sẽ có thể tận dụng môi trường mạng để tối ưu hoá tiềm năng, trở thành những người dẫn dắt thay đổi cho một môi trường mạng an toàn, tử tế và nhân văn hơn.”

Nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con ở giai đoạn vị thành niên, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà cần sự tham gia tích cực của mỗi gia đình, đặc biệt là phụ huynh. Cha mẹ chính là “vắc xin số” đầu tiên của các con - người giúp con hình thành khả năng tự bảo vệ, nhận biết rủi ro và phát triển lành mạnh trong không gian mạng. Ngoài ra, chúng ta cũng lưu ý rằng trẻ em có quyền nhưng có cũng có bổn phận, người sáng tạo nội dung có quyền nhưng cũng cần có trách nhiệm, và tất cả các bên liên quan đều phải coi trách nhiệm bảo vệ trẻ em lên trên hết. Tôi tin rằng, đất nước đang bước vào thế vận hội mới, và sẽ còn nhiều thay đổi về công nghệ, nhưng nếu chúng ta cam kết và nỗ lực, chúng ta sẽ có thể biến khát vọng thành hành động, để có thể lan tỏa năng lượng tích cực tử tế cho các thế hệ trẻ kế cận liên tục”.
Dưới góc nhìn chuyên môn về tâm lý, để thúc đẩy sức khoẻ tinh thần của trẻ em trên môi trường số (digital wellbeing) PGS.TS Trần Thành Nam cho biết: “Sức khỏe số không chỉ là việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị, mà còn là năng lực tự điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi trong môi trường mạng. Với thanh thiếu niên - thế hệ sinh ra cùng công nghệ, những áp lực từ mạng xã hội, cảm giác bị so sánh, bị bỏ rơi, hoặc mất kết nối thật có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần.
Điều đáng lo là nhiều em không nhận ra mình đang bị tổn thương, trong khi người lớn thì thường phát hiện quá muộn. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận: Không chỉ dạy con “dùng công nghệ đúng cách”, mà còn cần cùng con hiểu thế giới số như một không gian sống có cả rủi ro và cơ hội. Thanh thiếu niên cần được lắng nghe, cần kỹ năng để tự điều chỉnh, và quan trọng nhất là cần có người đồng hành - không phải để kiểm soát, mà để kết nối.”

Chia sẻ về các chính sách đảm bảo an toàn và sức khoẻ số cho thiếu niên trên nền tảng TikTok, ông Đặng Kim Long - Quản lý chính sách công, TikTok Việt Nam cho biết: “TikTok đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của nhiều bạn trẻ - nơi các bạn thỏa sức sáng tạo, giao lưu với bạn bè và học hỏi thêm nhiều điều thú vị. Chính vì vậy, TikTok luôn chú trọng xây dựng các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dùng trẻ, với các chế độ mặc định phù hợp ngay từ khi tạo tài khoản, để mang lại trải nghiệm tích cực cho các bạn và sự yên tâm cho phụ huynh.
Bên cạnh đó, TikTok cũng không ngừng phát triển thêm các tính năng hỗ trợ phụ huynh và người giám hộ, giúp cha mẹ dễ dàng đồng hành cùng con em mình, cũng như giới thiệu các công cụ mới giúp thanh thiếu niên hình thành thói quen sử dụng các nền tảng số một cách lành mạnh và cân bằng hơn.”

Gần 50 thiếu niên được tham gia thảo luận về những trải nghiệm, bao gồm các khó khăn, thách thức và những lợi ích khi tham gia trên các nền tảng số, trong đó có bao gồm việc sử dụng nền tảng TikTok. Các em chia sẻ về niềm vui sáng tạo, giải trí, học tập từ nền tảng này, và cũng không ngần ngại đưa ra các góp ý và các yêu cầu cho nền tảng cải thiện tốt hơn việc đảm bảo các trải nghiệm an toàn, lành mạnh của các em. Các em nhấn mạnh rằng “được lắng nghe” là điều giúp các bạn cảm thấy an toàn và có trách nhiệm hơn khi sử dụng TikTok. “Chúng em không cần bị kiểm soát, chúng em cần được tin tưởng, hướng dẫn và đồng hành.”
Đại diện các bạn thiếu niên đã chia sẻ lại các quan điểm và thông điệp vô cùng ý nghĩa: Góp ý cho các phụ huynh, bạn B.G.H, 14 tuổi chia sẻ: “Thay mặt các bạn, em muốn chia sẻ tiếng nói từ thiếu niên chúng em. Em hy vọng cha mẹ có thể dành thời gian hiểu hơn về ngôn ngữ tuổi teen, cha mẹ có thể tìm hiểu thêm về các xu hướng, các hoạt động trên TikTok để cha mẹ và con cái có thể trao đổi thêm nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Bên cạnh đó chúng em cũng hy vọng cha mẹ sẽ tôn trọng quyền riêng tư của con.”
Góp ý cho các nền tảng, bạn N.Đ.K, 16 tuổi cho biết: “Có nhiều bạn dưới 13 tuổi vẫn đang xem phải các nội dung bạo lực, hành vi sai lệch,… Chúng em nghĩ rằng, các nền tảng cần có thể thêm các tính năng cảnh báo tự động khi hiển thị các video có cảnh bạo lực, như nút Report (nút Báo cáo nội dung), nút SOS (nút Trợ giúp khẩn cấp)... để đảm bảo các bạn được tiếp cận những nội dung phù hợp với lứa tuổi.” Ngoài ra, các bạn thiếu niên cũng đòi hỏi các nền tảng nên quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của thiếu niên trên môi trường mạng, các bạn cũng hiến kế nên có 1 Chatbot hỗ trợ sức khỏe tinh thần, cảnh báo và chia sẻ với các bạn.
Bên cạnh đó, bạn N.V - Trẻ lớp Trẻ điếc 5C góp ý về trải nghiệm dùng các nền tảng với trẻ điếc: “Khác với các bạn, chúng em xem video thông qua việc đọc phụ đề, do đó, em hy vọng tính năng phụ đề có thể được nâng cấp, dễ dàng chuyển qua các ngôn ngữ, ví dụ Việt - Anh, bên cạnh đó phụ đề cũng có thể chậm hơn để chúng em có thể dễ dàng học tập… Khi đăng ký, mọi người có thể điền thông tin cơ bản về họ tên và ghi chú tình trạng khuyết tật của trẻ, như vậy, ví dụ với trẻ điếc các em sẽ được phục vụ phụ đề để tiếp cận tốt hơn các nội dung số.”
Song song với đó, phụ huynh tham gia cũng có cơ hội trao đổi trong các nhóm thảo luận riêng biệt. Nhiều cha mẹ chia sẻ mối lo lắng khi con dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu hoặc nội dung xấu. Tuy nhiên, phần lớn cũng thừa nhận còn thiếu kiến thức và kỹ năng để đồng hành cùng con. Các phụ huynh cho biết họ chưa hiểu rõ các tính năng bảo vệ như “Family Pairing” của TikTok, và mong muốn được cung cấp thêm tài liệu, hội thảo hoặc công cụ hỗ trợ để xây dựng giao tiếp lành mạnh với con trong môi trường số…
Minh Anh