Cụ thể, chiều 11/4, hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. HCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay, tử hình về tội Tham ô tài sản, 20 năm tù tội đưa hối lộ. Tổng hợp mức án là tử hình.
Hội đồng xét xử nhận định quá trình điều tra, diễn biến phiên tòa, lời khai của các bị cáo phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định bà Trương Mỹ Lan là chủ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Quá trình hoạt động Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (gọi tắt là hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát).
Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém thành Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan sở hữu cổ phần Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, quá trình hoạt động đã cấp tín dụng cho dự án Times Square của ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan).
Hội đồng xét xử cho rằng, có đủ căn cứ xác định tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên giùm.
Đối với 5 cổ đông nước ngoài, quá trình điều tra bà Lan khai đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 cổ đông này.
Tuy tại phiên tòa bà Lan thay đổi lời khai, nhưng thực tế các cổ đông nước ngoài từ lâu đã không tham gia đại hội đồng cổ đông nên lời bào chữa của các luật sư cho rằng, bà Lan và gia đình chỉ nắm giữ khoảng 15% cổ phần SCB là không có cơ sở để chấp nhận.
Việc nắm giữ 91,5% cổ phần SCB thì bà Lan thực tế là đại hội cổ đông của SCB, là người có quyền tuyển chọn, bố trí các vị trí chủ chốt tại ngân hàng này.
Hội đồng xét xử khẳng định theo các quy định pháp luật, hoạt động đảo nợ không phải là hoạt động được cho phép như lời bào chữa của các luật sư.
Việc các luật sư cho rằng bà Trương Mỹ Lan đưa tài sản vào SCB để trả nợ cũ, nhằm cơ cấu nợ cũ là không có cơ sở để chấp nhận.
Kết quả điều tra xác định các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB phần lớn được thực hiện bởi các pháp nhân mới thành lập.
Các bị cáo tại ngân hàng tiếp nhận ý chí của bà Trương Mỹ Lan đã bất chấp các quy định pháp luật, hợp thức hóa, phê duyệt các khoản vay khống của nhóm Vạn Thịnh Phát, thậm chí có nhiều khoản vay giải ngân trước khi hồ sơ được hợp thức.
Lợi dụng vai trò là cổ đông lớn, quyền lực, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã truyền đạt ý chí cho các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung thực hiện việc rút tiền từ SCB nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Các bị cáo Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung tiếp nhận ý chí của bà Trương Mỹ Lan, bỏ qua các quy định pháp luật, giúp sức tích cực để Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Hành vi nêu trên của Trương Mỹ Lan và các bị cáo đủ cấu thành tội tham ô tài sản. Tuy nhiên SCB không có vốn nhà nước. Các bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày 1/1/2018.
Theo đó, Bộ luật Hình sự 1999 không quy định tội tham ô tài sản đối với các pháp nhân ngoài nhà nước. Nên những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999; những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (Điều 353, Điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.
Từ đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp mức án là tử hình.
Đan Thuần - Tuyết Mai - Khắc Hiếu