Bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu sẽ thực hiện mở tuyến lúc 5h, đóng tuyến lúc 22h; tàu chạy đều đặn 8-12 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên mở tuyến sẽ bắt đầu từ 10h.
Sau 6 tháng, giờ mở tuyến là 5h, đóng tuyến là 23h30; đều đặn 5-10-15 phút/chuyến (tương ứng với các khung giờ cao điểm/bình thường/thấp điểm).
Vé lượt (vé chặng): Đi một ga 7.000 đồng và đi cả tuyến 20.000 đồng/lượt. Vé ngày 40.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt. Vé 3 ngày 90.000 đồng, có giá trị trong 3 ngày và không hạn chế số lượt.
Vé tháng (phổ thông, ưu tiên): Phổ thông là 300.000 đồng/tháng; ưu tiên đối với học sinh, sinh viên là 150.000 đồng/tháng.
Trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi (trên 60 tuổi), người khuyết tật được miễn vé theo Nghị quyết 29/2024 của HĐND TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong 30 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết 29.
Theo bà Huyền phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố hoàn thiện.
Cụ thể, có 17 tuyến buýt gom kết nối đến các nhà ga tuyến metro số 1. Trong 30 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, hành khách sử dụng 17 tuyến xe buýt kết nối này được phục vụ miễn phí.
Đối với hành khách sử dụng phương tiện cá nhân, có thể gửi tại các bãi trông giữ xe gần các nhà ga metro số 1, gồm Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Bến xe Suối Tiên...
Hành khách lưu thông trên tuyến metro số 1 có thể sử dụng các cầu đi bộ tại các ga Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc Gia để tiếp cận an toàn, thuận lợi các công trình tiện ích dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp, Xa lộ Hà Nội.
Hoàng Bách(t/h)