Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận 695 ca tử vong và 17.818 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh tại nước này lên lần lượt là 100.500 và 1.724.044 ca.
"Xứ sở cờ hoa" tiếp tục là tâm dịch nóng nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên có số ca tử vong vì đại dịch vượt quá con số 1.000. Tuy nhiên, nếu xét về các chỉ số ca tử vong và ca mắc bệnh mới, thì xu thế dịch đang có chiều hướng chững lại và hạ nhiệt tại Mỹ.
Hiện hầu hết các tiểu bang của Mỹ đã mở cửa trở lại hoạt động kinh tế và xã hội. Trong khi ngay tại "tâm dịch" New York, Thị trường tài chính Phố Uôn cũng đã mở cửa sau hơn 1 tháng đóng băng, các bãi biễn đã được phép đón khách trở lại...
Tại châu Âu, Montenegro trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã hết dịch bệnh COVID-19.
Ảnh minh hoạ
Ngày 26/5, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tuyên bố nước này đã khống chế thành công dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi trong 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới và cũng chỉ 69 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Tính tới ngày 25/5, Montenegro ghi nhận 324 ca mắc bệnh và 9 ca tử vong.
Theo Bộ Y tế Brazil, hôm 25/5 lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao hơn Mỹ. Số ca tử vong trong 24 giờ tại Brazil là 807 ca, trong khi tại Mỹ là 620 ca.
Brazil hiện là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới, với 376.669 ca, sau Mỹ với 1,7 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 tại Brazil cũng đã tăng lên 23.522 ca, so với gần 100.000 ca của Mỹ, theo thống kê của Worldometers.
Giữa lúc số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng mạnh, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn cho rằng đây chỉ là "cúm vặt" và thường xuyên xem nhẹ rủi ro. Ông bày tỏ lo ngại về những tác động kinh tế của COVID-19, nói rằng chúng sẽ tệ hơn bản thân virus.
Ông Bolsonaro lên tiếng phản đối các biện pháp nhằm làm chậm sự lây lan của virus, chẳng hạn như phong tỏa và cách ly, ngay cả tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Brazil.
Bộ Y tế Ba Lan cũng tuyên bố nước này đã qua đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dù số ca mắc mới vẫn tăng đều và số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã vượt mốc 1.000.
Hiện Ba Lan ghi nhận tổng cộng 21.631 ca mắc bệnh và 1.007 ca tử vong. Số ca mắc mới trong những tuần gần đây dao động từ 300-400 ca/mỗi ngày, có ngày lên 500 ca.
Trong khi đó, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis tuyên bố quốc gia này và Slovakia sẽ mở lại biên giới trong tuần này, cho phép người dân hai bên qua lại biên giới tối đa trong 48 giờ, bắt đầu từ ngày 27/5, mà không phải tiến hành xét nghiệm hay cách ly.
CH Séc cũng mở cửa biên giới với Áo và Đức từ ngày 26/5 nhưng yêu cầu người nhập cảnh cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Hoạt động kiểm tra toàn diện tại biên giới sẽ được thay thế bằng hình thức kiểm tra ngẫu nhiên và vẫn không cho khách du lịch nhập cảnh.
Philippines chưa mở cửa trường học khi chưa có vaccine: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông sẽ không cho phép học sinh quay lại trường cho tới khi có vaccine ngừa COVID-19, theo kênh Channel News Asia.
Theo kế hoạch ban đầu, trẻ em ở Philippines sẽ trở lại trường vào cuối tháng 8 sau khi các lớp học dành cho hơn 25 triệu học sinh tiểu học và trung học bị đóng cửa hồi tháng 3.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 25-5, Tổng thống Duterte cho hay rủi ro còn quá lớn.
“Tôi sẽ không cho phép mở lại các lớp học, nơi học sinh sẽ gần nhau. Trừ phi tôi chắc chắn họ thật sự an toàn, còn không thì thật vô ích khi nói về chuyện mở các lớp học. Đối với tôi, vaccine là trên hết. Nếu vaccine đã có sẵn thì không thành vấn đề. Nếu không ai tốt nghiệp thì đành vậy thôi”, ông Duterte nói.
Mặc dù các nhà nghiên cứu trên thế giới đã nỗ lực để nhanh chóng phát triển vaccine ngừa COVID-19 nhưng không rõ khi nào một ứng cử viên vaccine tiềm năng mới được phê duyệt và phân phát với quy mô lớn.
Để giảm bớt tình trạng đông đúc trong lớp học, Bộ Giáo dục Philippines đã thông báo một loạt các biện pháp giảng dạy từ xa, trong đó có các lớp học trực tuyến. Các phương pháp này sẽ được áp dụng cho năm học tới.
Đối với phương pháp học trực tuyến tại nhà, học sinh sẽ truy cập máy tính và có internet tại nhà. Tuy nhiên, lựa chọn này không thể áp dụng cho tất cả học sinh, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu vùng xa.
Tính đến nay, Philippines ghi nhận 14.669 ca nhiễm với 886 ca tử vong, theo trang thống kê Worldometer.
WHO đánh giá Nhật Bản chống dịch thành công: Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – ông Tedros Ghebreyesus hôm 25-5 đánh giá Nhật Bản đã thành công trong công tác chống dịch COVID-19.
Ông Tedros đưa ra đánh giá trên tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ). Trước đó, Nhật Bản quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp tại tất cả khu vực của cả nước. Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi đầu tháng 4.
Ông Tedros ca ngợi Nhật Bản ngăn chặn dịch tốt trong những tuần gần đây, giảm việc lây lan virus so với hơn 700 ca mỗi ngày vào lúc đỉnh dịch. Nhật Bản cũng đã giữ số người tử vong do COVID-19 ở mức tương đối thấp.
Tuy nhiên, ông Tedros nhấn mạnh rằng điều quan trọng là người dân Nhật cần tiếp tục tuân thủ giãn cách xã hội và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản.
Sau khi chính phủ Nhật dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và Tokyo dần dần mở cửa, ngày 26-5, một số người ở TP Tokyo đã quay trở lại văn phòng làm việc và tới công viên.
Bảo tàng, thư viện và các trung tâm thể thao trong nhà được phép mở cửa trở lại. Nhà hàng, vốn bị yêu cầu không cung cấp rượu từ 7 giờ tối và đóng cửa vào 8 giờ tối, giờ đã có thể mở cửa và cung cấp rượu tới 10 giờ tối.
Tại tỉnh Chiba, các lệnh hạn chế cũng được tháo dỡ. Một nhà hát tại Chiba chuẩn bị bắt đầu đón khách từ ngày 27-5.
Tính đến nay, Nhật ghi nhận 16.581 ca nhiễm với 830 ca tử vong.