Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đăng ký tham dự trực tiếp từ các đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hai bên đồng triển khai Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á (SRECA) tại Việt Nam trong 03 năm (2019-2022). Dự án tập trung nâng cao năng lực của các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức hỗ trợ thương mại, hợp tác xác và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tận dụng được các cơ hội từ hiệp định ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) để xuất khẩu thành công nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Trước yêu cầu thực tiễn trên, Cục XTTM đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai “Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại” nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm (thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối…).
Hội thảo Tổng kết dự án SRECA ra mắt Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) do Bộ Công Thương (Cục XTTM) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức tại Hà Nội tập trung vào hai nội dung chính:
Thứ nhất, báo cáo kết quả Dự án Hỗ trợ Hợp tác kinh tế khu vực Châu Á (SRECA) tại Việt Nam đã triển khai và hiệu quả hoạt động đã được hai bên thống nhất trong Thoả thuận hợp tác theo chiều sâu thông qua các hoạt động và kế hoạch dài hạn nhằm hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tham gia hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số, và triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thành công.
Thứ hai, trình bày, giới thiệu Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại Itrace247. hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc tận dụng công cụ số, Xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu, theo đúng định hướng của quốc gia hướng đến, hỗ trợ người tiêu dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết: “Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. iTrace247 áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là phiên bản nâng cấp giúp sản phẩm minh bạch hơn; Xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu, luôn là điều mà bất cứ doanh nghiệp, địa phương hay quốc gia hướng đến. Ngoài những yếu tố về chất lượng, công năng, thị hiếu thì việc ghi dấu ấn về hình ảnh và thương hiệu sản phẩm bắt nguồn từ chính câu chuyện về hành trình của sản phẩm cho đến khi đến tay khách hàng, là công cụ giúp người dùng không những được trải nghiệm quá trình sản xuất ra sản phẩm mà còn có cơ hội hiểu thêm về giá trị về lịch sử, địa lý, hiểu rõ về cách thức chăm sóc và quy trình để tạo nên sản phẩm.
Theo ông Oemar Idoe, Điều phối viên Nhóm Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp của tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam. “Xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó sản xuất xanh minh bạch giúp khách hàng có thể đánh giá chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, tăng sự tin tưởng và sự ủng hộ của khách hàng đối với sản phẩm và doanh nghiệp. Đảm bảo rằng quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng, cổ đông và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội. Từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.
Minh Anh