Ngoài Tổng thống, Đoàn đại biểu cấp cao Ba Lan đến tham dự sự kiện còn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Jarosław Gowin; Bộ trưởng Bộ Môi trường Jan Szysko; Chánh Văn phòng Nội các Krzysztof Szczerki.
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Ba Lan tại Việt Nam - bà Barbara Szymanowska; Phó chánh Văn phòng Nội các - Wojciech Kolarski; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Bartosz Cichocki; Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính - Tadeusz Koscinski; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Rafał Romanowski
Tổng thống Andrzej Duda đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp cho nhân dân và đất nước Việt Nam (Ảnh:Bảo Lan)
Và hơn 30 doanh nghiệp Ba Lan đang hoạt động trong các lĩnh vực mỏ, dược liệu, cảng biển, giao thông, nha khoa, du lịch, y tế, ngân hàng, tư vấn quản lý, công nghệ thông tin, thực phẩm, sản xuất thịt gia cầm và sản phẩm chế biến, sản xuất trái cây và rau quả, in ấn, bao bì và mực in, máy móc công nghiệp...
Về phía việt Nam, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, ông Lê Thanh Liêm – Phó chủ tịch UBND TP. HCM, ông Võ Tân Thành – Giám đốc VCCI tại TP. HCM; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố và hơn 130 doanh nghiệp Việt Nam.
Mở đầu bài phát biểu của mình, Tổng thống Ba Lan đã đã bày tỏ tình cảm của mình, khi nhấn mạnh: “Đất nước và con người Việt Nam vô cùng thân thiện và sẽ không có một đất nước, một dân tộc nào ở khu vực này lại thân thiện với đất nước Ba Lan như Việt Nam. Bên cạnh đó, nền tảng của mối quan hệ ngoại giao đã được thiết lập từ những năm 1950, chính là cơ sở để tôi và các cộng sự của mình có mặt ở đây ngày hôm nay”.
Bên cạnh các yếu tố tương đồng về văn hóa, Ba Lan cũng có cảng biển, phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, Hiện Ba Lan có khoảng 40.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Ba Lan, trong đó có khoảng 5.000 người Việt Nam nói tiếng Ba Lan. Thậm chí, có người đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan chính phủ của Ba Lan.
Trước đó, chiều ngày 28/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp và làm việc với Tổng thống Cộng hòa Ba Lan Andrzej Duda tại Hà Nội (Ảnh: Cổng TTĐTCP).
Việt nam là một trong những con hổ của khu vực châu Á về phát triển kinh tế, Việt Nam cũng đang là quốc gia mà Chính phủ Ba Lan quan tâm nhất tại khu vực này. Bộ ngoại giao Ba Lan đã chọn Việt Nam là một trong 5 quốc gia để xúc tiến thương mại và chỉ trong giai đoạn 2017-2018, Chính phủ Ba Lan đã lập nhiều chương trình xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Tổng thống Andrzej Duda cũng cho biết, nền kinh tế của Ba Lan cũng gặp nhiều khó khăn trong 30 năm qua, việc sai lầm trong chuyển đổi kinh tế cũng khiến Ba Lan gặp khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ Ba Lan đã cố gắng để phát triển và đạt được nhiều thành tựu như ngày hôm nay, đưa Ba Lan trở thành bạn hàng số một của Việt Nam tại Trung Đông Âu và Việt Nam là bạn hàng thứ 7 của Ba Lan ngoài EU.
Hợp tác thương mại đến nay, có thể nói là thành công nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng mà cả hai quốc gia đang có. Vì vậy, việc thành lập Cục Xúc tiến và đầu tư Ba Lan tại Việt Nam, sẽ là nơi để hỗ trợ cho doanh nghiệp hai quốc gia tìm hiểu thông tin của nhau và hướng đến những mục tiêu mà cả hai bên cùng quan tâm và có lợi ích.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Tổng thống Andrzej Duda khẳng định: “Đây là một chuyến đi có ý nghĩa vô cùng quan trọng và tham dự diễn đàn kinh tế Ba Lan - Việt Nam là một trong những hoạt động quan trọng trong chuyến đến thăm Việt Nam lần này, vì sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp hai quốc gia, góp phần đưa Ba Lan trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào Châu Âu, cũng như Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ của Ba Lan để vào khu vực Đông Nam Á”.
Tại "Diễn đàn doanh nghiệp Ba Lan - Việt Nam" đã có nhiều văn bản ghi nhớ, hợp tác cho doanh nghiệp của cả hai quốc gia (Ảnh: Bảo Lan)
“Các nền tảng ấy, chính là cơ sở để tôi hy vọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Ba Lan sẽ ngày càng thắt chặt và đó cũng là món quà vô cùng ý nghĩa mà chúng ta dành cho nhau. Với tư cách là người bạn của Việt Nam, tôi luôn mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục giàu có, thịnh vượng”, Tổng thống Andrzej Duda nhấn mạnh.
Cảm ơn tình cảm của Tổng thống Andrzej Duda đã dành cho đất nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Trương Minh Tuấn khẳng định: “Mối quan hệ truyền thống bền chặt của hai dân tộc, hai quốc gia sẽ mãi mãi bền vững và phát triển không ngừng trong sự nỗ lực của cả hai chính phủ”.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giới thiệu với Tổng thống những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam như Việt Nam có khoảng 330 khu công nghiệp, 16 khu kinh tế ven biển và sẽ hình thành 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với nhiều cơ chế và chính sách ưu đãi.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Việt Nam có hơn 50 triệu người sử dụng Internet, gần 130 triệu thuê bao di động được phủ sóng 3G/4G trên phạm vi cả nước và sắp tới sẽ là mạng 5G. Hiện Việt Nam cũng đã triển khai đầu tư sang 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ USD trong những lĩnh vực có thế mạnh như khai khoáng, viễn thông, nông nghiệp - lâm nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, dịch vụ…
Đồng thời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng ghi nhận sự nỗ lực giúp đỡ của Chính Phủ Ba Lan dành cho doanh nghiệp Việt Nam, cũng như cho người dân Việt Nam đang sinh sống ổn định và làm ăn trên đất nước Ba Lan. "Trong 67 năm quan hệ ngoại giao, Chính phủ Ba Lan đã ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến dành độc lập, dân tộc. Đồng thời, đã đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ cấp cao và hiện nay, mối quan hệ ấy càng được khẳng định thông qua hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế".
Khẳng định với Tổng thống Andrzej Duda, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: “Chuyến thăm của Tổng thống Andrzej Duda đến Việt Nam lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới giữa quan hệ của hai quốc gia. Đồng thời, sẽ là nền tảng để cả Việt Nam và Ba Lan cùng hỗ trợ, trao đổi thông tin, các biện pháp phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế”.
Tổng thống Andrzej Duda sinh năm 1972 tại Krakow, Ba Lan. Ông tốt nghiệp thạc sỹ luật, bảo vệ luận án Tiến sỹ Luật tại Đại học Tổng hợp Krakow.
Ông trải qua nhiều cương vị khác nhau như Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thẩm phán Tòa án Hiến pháp, Phó quốc vụ khanh Văn phòng Tổng thống, Người phát ngôn của Đảng Luật pháp và Công lý (PiS)… trước khi trở thành Tổng thống Cộng hòa Ba Lan từ ngày 24/5/2015.
Trong chuyến đến TP. HCM lần này, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã có những hoạt động đáng chú ý như tham gia “Diễn đàn doanh nghiệp Ba Lan - Việt Nam” làm việc và trao đổi các vấn đề quan trọng với Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong tại Dinh Thống Nhất; tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; thăm Trường PTTT Marie Curie; khai trương Văn phòng Đại diện Tổng cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP. HCM.
Trước đó, ngày 27 và 28/11, Tổng thống và phu nhân đã có buổi làm việc và gặp gỡ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bàn về nhiều văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế mà cả hai nước đều có thế mạnh.
Bảo Lan