Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí sửa đổi, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi.

Ngay sau đó, Quốc hội tiếp tục nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí sửa đổi.

16h17: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau phiên làm việc sôi nổi, đã có 13 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Qua thảo luận, các đại biểu đã đánh giá cao công tác chuẩn bị, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật. Kết cấu, bố cục của dự thảo Luật cần hợp lý hơn, phần giải thích từ ngữ cần tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của Luật.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về: chính sách của Nhà nước về dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí và chính sách khai thác tài nguyên trong các mỏ tận thu; điều kiện, nội dung tổ chức thực hiện điều tra cơ bản dầu khí và các quyền, nghĩa vụ tổ chức thực hiên điều tra dầu khí; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện báo cáo giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

16h11: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về dự án Luật. Đây là những ý kiến quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển dầu khí nước nhà, giúp ngành có cơ hội phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Thời gian qua Cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra và các Cơ quan có liên quan, tiếp thu tối đa ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH nhằm giải quyết 06 nhóm chính sách đã được Nghị quyết của Quốc hội thông qua. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng thống nhất cao với Báo cáo giải trình tiếp thu của Cơ quan chủ trì thẩm tra. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Làm rõ một số nội dung về điều tra cơ bản, Bộ trưởng cho biết đây là nội dung rất quan trọng của Dự án Luật, do nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho nội dung tìm kiếm thăm dò dầu khí…

Bộ trưởng chỉ ra rằng, theo pháp luật hiện hành không cho phép lập quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, do đó việc lập quỹ điều tra cơ bản dầu khí từ nguồn lực nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước và các nguồn vốn của tổ chức cá nhân khác là cần thiết và đồng bộ với các quy định của pháp luật về khoáng sản. Bên cạnh đó việc điều tra cơ bản được thực hiện theo cơ chế giao nhiệm vụ trên cơ sở đề án được Chính phủ phê duyệt.

Về nội dung quy định chính sách tận thu dầu khí, Bộ trưởng cho rằng, việc áp dụng nguyên tắc doanh thu trừ chi phí như dự thảo Luật sẽ tạo cơ chế đột phá, mang tính khả thi, khai thác tận thu tài nguyên hợp lý, đặc biệt là khi giá dầu thô trên thị trường thế giới biến động bất thường, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Về lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại Chương 3, tiếp thu ý kiến góp ý của các ĐBQH, Dự thảo Luật đã thiết kế một Chương để phù hợp với việc quy định ký kết hợp đồng dầu khí và phù hợp với thông lệ về công nghiệp dầu khí. Theo đó, dự thảo Luật kế thừa Luật Dầu khí hiện hành, các Nghị định có liên quan và tham khảo Luật Đấu thầu để quy định chi tiết về nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện được những chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với pháp luật hiện hành, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sau khi tiếp thu hoàn thiện lần cuối trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

16h06: Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Bổ sung về các hình thức cũng như về các quyền, nghĩa vụ tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí

Góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Minh Đức cơ bản nhất trí các nội dung trong dự thảo Luật. Tại khoản 1, Điều 5 của dự thảo có quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân của Việt Nam và nước ngoài để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khó và hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, khoản 3, Điều 12 đã đặt ra điều kiện cho các cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia.

Nhưng Điều 13 có đặt ra quyền và nghĩa vụ cho tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí nhưng không có điều luật nào về quyền và nghĩa vụ của cá nhân Việt Nam và người nước ngoài khi tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị lưu ý cá nhận Việt Nam và người nước ngoài khi điều tra cơ bản về dầu khí ở những vùng địa chính trị quan trọng thì cần phải điều kiện cụ thể hơn, đồng thời phải có quyền và nghĩa vụ, đặc biệt là quyền của người nước ngoài để đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Về hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, đại biểu nhận thấy, trong trường hợp cơ quan nước ngoài có tổ chức khác chủ trì, cá nhân tham gia thì cũng chưa quy định cá nhân tham gia như thế nào? Vì thế, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật về các hình thức cũng như về các quyền, nghĩa vụ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của dự thảo, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Với quy định trên, đại biểu nhận thấy, điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí chỉ được tiến hành khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cho phép điều tra cơ bản về dầu khí.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần làm rõ danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy định tại Điều 10 của dự thảo: phải tăng hợp đồng dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 26 dự thảo hoặc là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 27 có phải là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí hoặc hoạt động dầu khí hay không? Nếu coi đây là hình thức cho phép thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị quy định rõ để đảm bảo tính minh mạch của văn bản pháp luật.

Về Điều 31 của dự thảo luật có quy định về thời hạn hợp đồng dầu khí, đại biểu đề nghị bổ sung cho rõ ràng cho vấn đề này và có thể đối chiếu Điều 156 Bộ luật Dân sự. Đề nghị cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra đối chiếu quy định Điều 156 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các bên trong hợp đồng dầu khí thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng thì sẽ rõ ràng hơn để so sánh và hoàn thiện nội dung này.

15h55: Đại biểu Nguyễn Đại Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu

Đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đánh giá cao sự chủ động tích cực của cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan trong việc chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật. Đến nay, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tương đối hoàn thiện.

Về nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng đây là nội dung được cử tri, các nhà nghiên cứu rất quan tâm, tuy nhiên dự thảo Luật chưa dành cho nội dung này dung lượng xứng đáng, nên cần có 1 chương riêng hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ môi trường trong thăm dò, khai thác dầu khí, gắn trách nhiệm cho các đơn vị, cơ quan gây ra sự cố về môi trường.

Về tiêu chí, phương pháp đánh giá, lựa chọn nhà thầu, dự thảo luật quy định, tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm: Năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu; Điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí; Điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 16 quy định: Điều kiện tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí là có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí; trường hợp tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện này thì phải liên danh với các tổ chức, cá nhân khác để có đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Đại biểu đề nghị bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 22 của Dự thảo luật như sau: tiêu chí lựa chọn nhà thầu bao gồm: Năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm của nhà thầu trong hoạt động dầu khí để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quy định của luật.

15h49: Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Làm rõ phạm vi điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị không bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn, mà làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh của luật là hoạt động dầu khí thượng nguồn, đó là những hoạt động về thăm dò, khai thác mỏ dầu khí. Còn đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thì thực hiện theo các quy định của các luật đã có và các luật có liên quan.

Đối với đề nghị bổ sung dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ vào phạm vi điều chỉnh, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần phải cân nhắc và nên chỉ áp dụng cho hoạt động thượng nguồn chứ không bổ sung. Bởi vì, đầu tư thượng nguồn là đầu tư rủi ro, đánh giá thẩm định không thể có thời gian lâu như ở trên bờ, vì thế, quy trình đầu tư phải nhanh chóng, mỗi ngày tàu khoan đợi ngoài khơi có thể tiêu tốn hàng trăm nghìn USD.

Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được quy định tại Điều 4, do tính chất đặc thù của hoạt động đầu tư thượng nguồn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đồng ý theo hướng Một quy định rõ tài khoản 1 Điều 4 về các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí của hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật dầu khí. Tuy nhiên, quy định tại Luật Dầu khí cũng phải lưu ý để tránh được nguy cơ lạm dụng quy trình rút gọn trong Luât Dầu khí để gây thấp thoát, lãng phí, tham nhũng.

Góp ý về quy định điều tra cơ bản về dầu khí quy định tại Điều 10, Chương 2, đại biểu cho rằng dự thảo luật này cần chỉnh sửa lại Điều 10 theo hướng bổ sung quy định về cơ chế thực hiện, hình thức tổ chức thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật đất đai. Theo đó, nếu trên 100 triệu USD giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định, còn trên 200 triệu USD thì giao thẩm quyền Quốc hội quyết định, vì đó là đầu tư lớn và phải có phân bổ rủi ro.

Về hợp đồng dầu khí quy định tại Chương 4, theo đó hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, nhà đầu tư dầu khí, vì vậy cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí. Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng dầu khí và các tài liệu kèm theo hợp đồng là tiếng Việt và tiếng Anh, hoặc một thứ tiếng nước ngoài thông dụng khác do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu hoạt động dầu khí diễn ra tại Việt Nam thì cần làm rõ luật áp dụng là Luật Việt Nam và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Việt Nam, hoặc cũng có thể cho phép thỏa thuận trọng tài nước ngoài, nếu tranh chấp phát sinh với các nhà đầu tư nước ngoài.

15h48: Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tiếp tục rà soát các quy định về điều tra cơ bản

Cơ bản tán thành các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi trình tại Kỳ họp lần này, đại biểu Tạ Đình Thi đánh giá cao các quy định về điều tra cơ bản được quy định tại các điều khoản trong Luật sửa đổi. Đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật.

Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí một khoản quy định chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí, thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 có quy định về việc tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí. Theo đó, Dự thảo Luật cũng quy định rõ vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm những nội dung nào. Tuy nhiên cần rà soát nội dung này với các Luật có liên quan như Luật Biển Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Về quy định điều tra cơ bản dầu khí tại Chương 2, đại biểu chỉ ra rằng, Dự thảo quy định kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân. Như vậy công tác này chủ yếu thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước, vì vậy cần giao Chính phủ quy định rõ một số nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo công tác tìm kiếm, thăm dò.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát toàn bộ các nội dung tại Điều 10, đảm bảo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về điều tra cơ bản dầu khí.

15h21: Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Tạo cơ sở pháp lý xử lý hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh đánh giá cao các nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật.

Đại biểu cho biết, liên quan đến nội dung về thực hiện quyền tham gia quyền ưu tiên mua trước, quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí, mặc dù cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã có tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, tuy nhiên theo đại biểu Chinh, dự thảo Luật vẫn cần phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn để tạo cơ sở pháp lý cho các trường hợp nhận chuyển giao quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị, cần nghiên cứu thiết kế theo hướng tách khoản về nội dung này trong dự thảo Luật thành một Điều luật riêng về nhận, chuyển giao toàn bộ quyền lợi tham gia các dữ liệu công trình dầu khí của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt. Đồng thời, theo đại biểu, nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiếp nhận cơ chế theo dõi, quản lý cơ chế tài chính, quy định trách nhiệm của Tập đoàn dầu khí, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Điều luật này.

15h15 Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Quy định chặt chẽ hành vi bị nghiêm cấm

Góp ý về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy chỉ rõ, tại khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến lợi ích của quốc gia trong đó quy định: lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí để làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Về điều khoản này, đại biểu đề nghị cần phải nhấn mạnh và bổ sung nội dung về “làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và ô nhiễm môi trường”.

Đại biểu bày tỏ có cùng băn khoăn với đại biểu Trần Văn Tiến và đại biểu Cầm Thị Mẫn phát biểu trước đó về nội dung tại khoản 3, Điều 12 dự thảo Luật về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Dự thảo Luật quy định cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phải liên doanh với tổ chức để có đủ điều kiện thực hiện. Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy phân tích, trong trường hợp cá nhân có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ có thể tự mình thực hiện điều tra mà không cần phải liên doanh với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Theo đại biểu, quy định như trên là làm mất đi quyền tự chủ cũng như tính độc lập của cá nhân trong điều tra cơ bản về dầu khí.

Mặt khác tại khoản 2, Điều 12 dự thảo Luật cũng quy định tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện thì phải liên danh với tổ chức, cá nhân để có đủ điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Nhưng đến khoản 3 lại hạn chế việc liên danh giữa các cá nhân với nhau, chỉ cho phép cá nhân liên doanh với tổ chức. Trong khi Điều 5 của dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về dầu khí lại khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào điều tra cơ bản về dầu khí.

Đại biểu nhấn mạnh để chính sách về dầu khí của Nhà nước thực sự thu hút các nhà đầu tư hơn nữa thì không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân. Khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên doanh với bất kỳ tổ chức nào khác.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa nội dung khoản 8 Điều 59 dự thảo Luật quy định về nghĩa vụ của nhà thầu, theo đó quy định việc nhà thầu có nghĩa vụ bán tại thị trường Việt Nam các sản phẩm dầu khí thuộc quyền sở hữu của mình khi được Chính phủ yêu cầu, lưu ý theo hướng giảm thiệt hại cho nhà đầu tư ở mức thấp nhất có thể, nhằm thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về phòng, chống sự cố dầu khí, bởi sự cố dầu khí khi xảy ra thường là rất nghiêm trọng, để xử lý cần phải có sự tham gia của nhiều bên, những kỹ thuật và chuyên môn đặc thù, kế hoạch ứng phó sự cố dầu khí là một nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí.

15h09: Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận

Góp ý dự án Luật Dầu khí sửa đổi, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng việc sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, để có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong điều kiện tiềm năng khai thác dầu trong giai đoạn tới là rất khó khăn. Cần phải thiết lập nền tảng phát triển mới, đảm bảo sự phù hợp và thống nhất với các luật khác có liên quan trong tiếp cận, điều hành, quản lý Nhà nước về hoạt động dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc quyền kinh tế, chủ quyền biển, đảo phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế.

Góp ý vào những điều cụ thể, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho biết: Về điều kiện thực hiện điều điều tra cơ bản về dầu khí được quy định tại Điều 12, đại biểu cho rằng các quy định tại Điều 12 chưa rõ ràng, chưa quy định cụ thể, có những điều kiện nào thì được thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí. Kết cấu của điều luật chủ yếu quy định về loại hình chủ thể, việc điều tra cơ bản là hoạt động đặc thù.

Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại nội dung của Điều 12 của dự thảo luật để khắc phục, bổ sung những bất cập, thiếu sót.

Về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ, đại biểu cho biết: Khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật có quy định về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển. Đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ khái niệm chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển ngoài diện tích hợp đồng ban đầu.

Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho biết, chính sách ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật, đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này. Đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều năm mươi tư của dự thảo luật thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư.

15h05: Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: Cần bổ sung các cơ chế kiểm soát, đánh giá thận trọng hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh trong việc lựa chọn, kí kết, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cơ bản nhất trí cao Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Dự thảo luật lần này đã bổ sung nhiều quy định đảm bảo an ninh, quốc phòng trong hoạt động dầu khí.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định nguyên tắc: tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ quy định về quốc phòng an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước thống nhất với đề xuất về việc bổ sung vào dự thảo quy định về chính sách đặc thù đối với khai thác tận thu dầu khí theo hướng doanh nghiệp khai thác được thực hiện tính toán trực tiếp chênh lệch thu chi trong hoạt động khai thác, không phải nộp trước thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu dầu khí và sau khi hợp đồng này kết thúc, giao cho Tập đoàn dầu khí Việt Nam được tiếp quản quản lý, sử dụng tài sản công là các tài sản, công trình dầu khí đã được lắp đặt, đầu tư và khai thác.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có những nội dung quy định điều chỉnh đối với các vấn đề như vận chuyển, chiết xuất, chế biến, lọc hóa dầu để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động nêu trên.

Hoạt động dầu khí đóng góp rất quan trọng trong việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế đất nước do vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu rõ, trong các quy định về hợp đồng lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng hợp đồng dầu khí, thẩm định và phê duyệt các chương trình, báo cáo, kế hoạch tìm kiếm khai thác dầu khí của các hoạt động này thì cũng nên cần bổ sung các cơ chế kiểm soát, đánh giá thận trọng hơn đối với tác động về quốc phòng, an ninh cho thật chặt chẽ.

15h00: Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: Đề xuất đổi tên luật thành Luật Khai thác dầu khí.

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cơ bản thống nhất cao với các ý kiến tiếp thu, giải trình, cũng như nội dung của dự thảo luật; thống nhất với sự cần thiết ban hành và sửa đổi Luật theo Tờ trình của Chính phủ.

Góp ý về tên gọi của dự thảo, đại biểu đề xuất đổi tên luật thành Luật Khai thác dầu khí vì các nội dung được quy định trong dự thảo của luật chủ yếu tập trung vào hoạt động thăm dò và khai thác.

Đối tượng áp dụng, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đối với cụm từ “cá nhân”, vì việc quy định đối tượng là cá nhân được tham gia các hoạt động này sẽ không tránh khỏi tình trạng là đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích của quốc gia, nhất là có thể làm thất thoát tài nguyên của đất nước. Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trịnh Minh Bình đề nghị cơ quan thảo nghiên cứu xem xét bổ sung thêm đối với các hành vi là làm giả hồ sơ, tài liệu liên quan đến đấu thầu, thông tin, số liệu khai thác dầu khí, điều tra cơ bản, hợp đồng mua bán dầu khí.

Về cái nội dung dự thảo tại Điều 15 đã có quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì cũng đề nghị cơ quan hội thảo cân nhắc quy định một cách cụ thể, chặt chẽ, tránh trường hợp sẽ lộ lọt thông tin. Đối với các nội dung từ Điều 44 đến Điều 48, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định rõ giữa chức năng của doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu. Theo quy định của dự thảo cho phép Tập đoàn Dầu khí vừa hoạt động kinh doanh và vừa tham gia quản lý nhà nước trong hoạt động xăng dầu.

Đại biểu đặt câu hỏi: vấn đề này liệu có mang tính khách quan và có phù hợp hay không? Bên cạnh đó, về quyền của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tại Điều 61 quy định: Tập đoàn Dầu khí có quyền phê duyệt của Tập đoàn Dầu khí đối với các chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, tìm kiếm thăm dò dầu khí để điều chỉnh, thăm dò dầu khí bổ sung, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí và kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí…Đối với quy định này đại biểu đề nghị cần cân nhắc giao cho Chính phủ quy định vì đây là cái thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cũng góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí quy định tại Điều 65, đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định một nội dung riêng về công tác thanh tra, khen thưởng, cũng như là công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xăng dầu, để có đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật…

14h55: Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu

Đánh giá cao việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang bày tỏ quan tâm đến quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên liên quan đến hoạt động dầu khí.

Cụ thể, đại biểu cho rằng việc sửa khoản 3 Điều 10 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ thuế suất tối thiểu từ 25 đến 50% là hợp lý. Nếu được, cần đưa ngay vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với hợp đồng dầu khí, hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, thì thuế suất là 33%, đối với hợp đồng dầu khí hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt thì hưởng thuế suất 25%, đối với các hợp đồng dầu khí khác, theo phương án 1, giao Chính phủ quyết định trong khung từ 25% đến 50%, hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở Chính phủ trình.

14h51: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần quy định rõ về chi phí hoạt động dầu khí

Thống nhất cao với nhiều nội dung trong dự án Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho biết, đối với phần giải thích từ ngữ, đề nghị bổ sung nội dung về chi phí hoạt động dầu khí. Cụ thể, chi phí hoạt động dầu khí là tất cả chi tiêu do nhà thầu thực hiện và gánh chịu theo chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt, để tiến hành hoạt động dầu khí, được xác định và được phép thu hồi phù hợp với các quy định của hợp đồng dầu khí nhằm mục đích làm rõ chi phí liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm dầu khí không được coi là chi phí hoạt động dầu khí.

Quan tâm đến các quy định về xử lý các chi phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đại biểu chỉ ra rằng, tại Khoản 4 Điều 64 có quy định: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được sử dụng tiền từ việc bán phần sản phẩm dầu, khí lãi của nước chủ nhà từ các hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước để thanh toán các chi phí, nghĩa vụ.

Để đảm bảo quy định về điều khoản chuyển tiếp, đảm bảo sự thống nhất và tính khả thi trong quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 3 Điều 69 cụ thể như sau: Việc xử lý chi phí của tập đoàn dầu khí Việt Nam theo quy định tại khoản 4 Điều 64 được áp dụng với các hợp đồng dầu khí được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực.

14h45: Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Cần quy định cụ thể chính sách khai thác mỏ dầu khí khai thác tận thu

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ cơ bản thống nhất với dự thảo Luật trình Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng nhấn mạnh, Hoạt động dầu khí có tính chất đặc thù, có tính rủi ro cao, do tại thời điểm ký kết hợp đồng chưa thể lường hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí và khai thác dầu khí. Do vậy, đại biểu cho rằng các quy định điều chỉnh liên quan đến mỏ dầu khí tận thu và các quy định về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí nói chung và mỏ dầu khí khai thác tận thu thu nói riêng là một điểm quan trọng đột phá của dự thảo Luật lần này.

Thời điểm hiện nay, một số mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng đã giảm hoặc hết hạn hợp đồng hoặc nhà cầu chấm dứt hợp đồng sớm dẫn đến việc suy giảm về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về hoạt động này nên việc triển khai các dự án để tận thu nguồn tài nguyên quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư không còn thực sự hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Đại biểu cho rằng, đây chính là rào cản cho các đối tác muốn đầu tư vào hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Vì vậy, để có thể tiếp tục hoạt động khai thác, tận thu mỏ dầu khí, thực sự nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước, đối với việc khai thác các mỏ này, đại biểu Hùng cho rằng, cần có quy định thật cụ thể để luật hóa các chính sách khai thác tận thu đặc thù, phân biệt với cơ chế phân chia sản phẩm và nguyên tắc thu hồi chi phí của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu quy định chi tiết chính sách này.

14h40 Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị rà soát, sắp xếp các chương, điều của dự thảo Luật để bảo đảm tính liên tục thống nhất liền mạch tạo thuận lợi trong quá trình nghiên cứu cũng như áp dụng Luật.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đai biểu Trần Văn Tiến chỉ rõ, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí. Tuy nhiên hoạt động dầu khí được quy định tại khoản 11 Điều 3 dự thảo Luật bao gồm hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí và thu dọn công trình. Theo đại biểu, nội hàm của dự thảo Luật này không chỉ điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí hoạt động dầu khí mà còn điều chỉnh các nội dung như lựa chọn nhà thầu hợp đồng dầu khí, nhà thầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý Nhà nước về dầu khí. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh đảm bảo phù hợp với nội hàm của dự thảo Luật.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát về giải thích từ ngữ bảo đảm thống nhất trong luật và giữa luật này với các luật liên quan như định nghĩa về nhà thầu, nhà đầu tư, khai thác tận thu. Đại biểu đề nghị lý giải rõ quy định tại khoản 3 Điều 12 hạn chế không cho cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí mà bắt buộc phải liên doanh với tổ chức có đủ điều kiện mới được thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí.

Chỉ rõ các quy định về lựa chọn nhà đầu quy định tại Chương 3 dự thảo Luật quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể chi tiết hơn như về hình thức đảm bảo dự thầu, thời gian, hiệu lực của đảm bảo dự thầu, giá đảm bảo dự thầu cũng như việc hoàn trả đảm bảo dự thầu…

Cho biết, dự thảo Luật còn có đến 26/69 Điều còn giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu đề nghị đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định chi tiết và cụ thể hóa các quy định đã ổn định vào ngay trong dự thảo Luật để thống nhất thực hiện về quản lý nhà nước.

14h38: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luận. Dự thảo luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Thanh An (tổng thuật)