Vừa qua, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023…
Bài 2: Long An giữ vị trí số 2
Theo báo cáo kết quả công bố, tỉnh Long An có bước tiến lớn về điểm số là tăng 2,49 điểm và tăng tới 8 bậc so 2022. Long An vươn lên giành vị trí thứ Á quân trong bảng xếp hạng PCI 2023 với 70,94 điểm.
Long An giữ vị trí số 2 về chỉ số PCI
Cải cách TTHC theo hướng tinh gọn
Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ:
“Long An đã xác định công tác cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ chính trị quan trọng và chỉ đạo thực hiện xuyên suốt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh với mục tiêu không chỉ để tăng hạng PCI mà còn để thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn”.
Ngay sau khi công bố kết quả PCI năm 2022, tỉnh Long An đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả để phân tích chuyên sâu các chỉ số tăng điểm, thăng hạng, chỉ số giảm điểm, giảm hạng; từ đó đề ra những giải pháp đổi mới, cụ thể, sáng tạo, sát thực tiễn để cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của các chỉ số thành phần còn thấp điểm. Các chỉ số còn lại, phải được tiếp tục phát huy, hoàn thiện và tăng điểm.
Thành phố Tân An (tỉnh Long An) phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025
Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích chi tiết từng chỉ số thành phần, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động thật cụ thể, chi tiết, thiết thực và phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, xác định rõ tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp thay vì là quản lý, hỗ trợ như trước đây. Trong quá trình thực hiện, phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để khắc phục…
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Long An luôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, công khai, minh bạch và được quán triệt thực hiện một cách quyết liệt, thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt (do lãnh đạo tỉnh làm Tổ trưởng, các thành viên là thủ trưởng sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện) để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bến Lức, Long An (Nguồn: ITN)
Phấn đấu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả của khu vực phía nam (Ảnh: VGP)
Hoạt động của Tổ công tác, sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp đánh giá cao tỉnh Long An trong việc nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp với Chỉ số thành phần Chi phí không chính thức đạt 7,74 điểm, đứng thứ 2/62 địa phương.
Tỉnh cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, với Chỉ số thành phần Chi phí thời gian đạt 8,40 điểm, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố.
Long An còn được các doanh nghiệp ghi nhận về tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền với Chỉ số thành phần Tính năng động, tiên phong đạt 7,24 điểm, đứng thứ 4 trên cả nước.
Riêng về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) 2023, Long An cũng có sự đột phá khi tăng đến 16 bậc so 2022 và đứng vị trí thứ 12/2023. Đây là kết quả của sự nỗ lực lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững, phát triển nền kinh tế xanh.
Qua đó, xây dựng Long An tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) - điểm đến bình yên với cảnh sông nước hữu tình và rừng tràm ngút mắt thu hút đông đảo khách du lịch (Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Long An)
Giải quyết các vấn đề liên quan đến DN
Long An tiếp tục tăng cường quán triệt nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về nắm vững nội hàm của các chỉ số thành phần PCI, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Địa phương không ngừng nâng cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và sự năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.
Tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình mới, hiệu quả để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quyết tâm vượt khó và đoàn kết cùng thực hiện đạt hiệu quả.
Một lĩnh vực quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương đó là công thương. Đại diện Sở Sở Công Thương cho biết, để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, Sở triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Sở chú trọng chính sách khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý đến doanh nghiệp.
Sản phẩm du lịch nông thôn được ngành du lịch tỉnh Long An khai thác hiệu quả thời gian qua (Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh)
Từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại và công nghiệp hỗ trợ, đối với thị trường trong nước, Sở Công Thương hỗ trợ kết nối 20 doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào Siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang), 180 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp và 530 lượt doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm tại 35 sự kiện hội chợ thương mại, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với đó, Sở Công Thương đã hỗ trợ khoảng 380 lượt doanh nghiệp tham gia 14 sự kiện kết nối giao thương, tư vấn xuất khẩu theo hình thức trực tuyến - do Bộ Công Thương tổ chức tại Long An và nhiều tỉnh, thành phố khác. Đối với thị trường nước ngoài, Sở hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tham gia kết nối trực tiếp tại thị trường Thái Lan, Trung Quốc.
Ngoài ra, Sở Công Thương hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số vào tiêu thụ hàng hóa nông sản trên sàn thương mại điện tử với tên miền htttp://tradelongan.com; đã hỗ trợ quảng bá cho nhiều doanh nghiệp của tỉnh và có 181 gian hàng đăng ký tham gia với 485 sản phẩm được trưng bày trên sàn. Sở còn kết nối sàn thương mại điện tử của tỉnh với sàn hợp nhất (www.sanviet.vn).
Sở Công Thương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư; tập trung triển khai, thực hiện 8/10 chỉ số thành phần trong kế hoạch cải thiện và nâng cao PCI.
Cụ thể là chỉ số “Gia nhập thị trường”, “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, “Thiết chế pháp lý và An ninh, trật tự”, “Tính minh bạch”, “Chi phí thời gian”, “Chi phí không chính thức”, “Cạnh tranh bình đẳng" và “Tính năng động”.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành du lịch, thời gian qua Long An đã đầu tư giới thiệu, quảng bá, liên kết với hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL (Ảnh: Sở VHTT&DL tỉnh Long An)
Đặc biệt, Sở Công Thương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, kinh doanh thương mại; quyết liệt rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời giải quyết hiệu quả các phản ánh, kiến nghị hoặc đề xuất của doanh nghiệp, người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Cùng với đó, Sở thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ của Sở, với phương châm “Phòng hơn chống, phòng ngừa từ sớm, từ xa”…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Sở Xây dựng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch cải cách hành chính để tập trung lãnh đạo, điều hành.
Theo đó, Sở Xây dựng tập trung rà soát, xây dựng bộ thủ tục hành chính thực sự đơn giản, dễ thực hiện; xây dựng quy trình, cách thức giải quyết tinh gọn, loại bỏ các khâu trung gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giúp rút ngắn thời gian, cũng như chi phí gia nhập thị trường cho tất cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất hàng hóa xuất khẩu ở Long An (Nguồn: Báo Long An)
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, cũng được Sở Xây dựng thực hiện. Qua đó, 100% thủ tục hành chính từ khâu tiếp nhận và trả kết quả, được số hóa và xử lý trên môi trường mạng.
Sở Xây dựng đánh giá, qua quá trình cải cách hành chính, đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đáng kể. Điển hình như, thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng, cắt giảm thời gian giải quyết từ 20 ngày, xuống còn 18 ngày; thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, cắt giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày xuống còn 13 ngày...
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trước hạn trên 70%, còn lại là đúng hạn, không có hồ sơ quá hạn. Để làm tốt việc giải quyết thủ tục hành chính, Sở phân công cán bộ đầu mối theo dõi, đôn đốc các phòng chuyên môn theo dõi; thiết lập các kênh thông tin hiệu quả để theo dõi, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định, thủ tục và công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Sở cũng đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…
Một số doanh nghiệp tại Long An điều phối hoạt động sản xuất để giữ chân lao động (Ảnh https://vov.vn/)
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Long An cũng cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tỉnh vẫn còn những rào cản, điểm nghẽn, nhất là trên lĩnh vực đất đai, liên quan đến định giá, thẩm định giá, tiếp cận nguồn lực...
Chính vì vây, chính quyền tỉnh, nhà đầu tư đang phối hợp tháo gỡ khó khăn, giải quyết tận gốc các nút thắt, điểm nghẽn nhằm tạo niềm tin cho DN, để vị trí của Long An trên bảng xếp hạng PCI luôn duy trì trong tốp đầu cả nước một cách bền vững hơn.
Chỉ số PCI (tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Provincial Competitiveness Index): Chỉ số đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân của 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số PCI - có thể coi như “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố.
Có thể nói, chỉ số PCI đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố. Dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp, PCI phản ánh thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh và mức độ thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nhờ đó, PCI góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt, khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì…
Với việc dành vị trí Á quân Chỉ số PCI 2023 - là kết quả của sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh Long An về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh một cách đồng bộ, bền vững để nâng cao điểm số trong thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, tính tiếp cận đất đai, cũng như tính minh bạch, chi phí thời gian. Và đây sẽ là điều kiện thuận lợi, cũng - chìa khóa quan trọng để tỉnh Long An tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Tỉnh Long An đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số PCI, như: Chi phí không chính thức (15%); tính năng động của chính quyền (15%); chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (15%) và những chỉ số tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như tiếp cận đất đai (10%), đào tạo lao động (10%), cạnh tranh bình đẳng (10%)…
Bảng công bố xếp hạng TOP 30 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tốt nhất năm2023:
Tỉnh | Điểm số PCI | Xếp hạng |
Quảng Ninh | 71,25 | 1 |
Long An | 70,94 | 2 |
Hải Phòng | 70,34 | 3 |
Bắc Giang | 69,75 | 4 |
Đồng Tháp | 69,66 | 5 |
BRVT | 69,57 | 6 |
Bến Tre | 69,20 | 7 |
TT-Huế | 69,19 | 8 |
Hậu Giang | 69,17 | 9 |
Phú Thọ | 69,10 | 10 |
Ninh Thuận | 69,10 | 11 |
Hưng Yên | 69,09 | 12 |
Lạng Sơn | 69,05 | 13 |
Cần Thơ | 68,88 | 14 |
Vĩnh Phúc | 68,81 | 15 |
Đà Nẵng | 68,79 | 16 |
Hải Dương | 68,68 | 17 |
Bình Thuận | 68,06 | 18 |
Ninh Bình | 67,83 | 19 |
Tây Ninh | 67,80 | 20 |
Đắk Nông | 67,79 | 21 |
Cà Mau | 67,65 | 22 |
Thái Nguyên | 67,48 | 23 |
Trà Vinh | 67,46 | 24 |
Bình Định | 67,44 | 25 |
Lào Cai | 67,38 | 26 |
TP.Hồ Chí Minh | 67,19 | 27 |
Hà Nội | 67,15 | 28 |
Tiền Giang | 66,80 | 29 |
Thanh Hóa | 66,79 | 30 |