Theo đó, mục đích của Chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh); xây dựng lộ trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Xác định rõ nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong việc thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Thiết lập khung kết quả thực hiện theo thời kỳ làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch tỉnh; đồng thời xem xét, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Cụ thể đến năm 2030, Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng; tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 7,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 61,8%; khu vực dịch vụ khoảng 24,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5%; dân số tăng bình quân khoảng 1%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp học mầm non đạt 80%, cấp tiểu học đạt 100%, cấp trung học cơ sở đạt 70%, cấp trung học phổ thông đạt 45%. Hoàn thành phổ cập giáo dục mẫu giáo cho trẻ 3 - 4 tuổi; số giường bệnh/vạn dân đạt 27 giường; số bác sĩ/vạn dân đạt 11 bác sỹ;…
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Do đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện chặt chẽ, kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt, phải bứt phá trong quản lý điều hành bảo đảm không vị trí lãnh đạo nào trong hệ thống hành chính còn chần chừ, sợ trách nhiệm thực thi nhiệm vụ được phân công; đề ra giải pháp cụ thể, thích hợp để triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó phải quy định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và phân công đơn vị, phòng ban chịu trách nhiệm từng phần việc cụ thể; hàng tháng, hàng quý, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện lồng ghép vào báo cáo kinh tế - xã hội của đơn vị.
Đồng thời, đối với các công việc cụ thể được giao, Thủ trưởng sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu hoàn thành các công việc cụ thể đạt chất lượng, sớm hơn thời gian quy định.
Ngoài ra, Thủ trưởng các cơ quan hành chính tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp chú trọng tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ và các đoàn thể theo dõi sát tình hình, kịp thời cập nhật thông tin, ứng phó thích hợp, phát huy lợi thế, nội lực, ra sức khắc phục tối đa khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện Chương trình hành động này.
Yến Linh(t/h)