Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp.

Diễn ra từ ngày 25/01 đến 01/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 1.500 đại biểu tham dự đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết; Ban Chấp hành Trung ương đã bầu 18 Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí Thư.

Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội "Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển"; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước cho 05 năm, 10 năm tiếp theo và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Kiên cường ứng phó, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19

Năm 2021, nước ta trải qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh Covid19 kéo dài với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn chủng cũ nhiều lần và hết sức nguy hiểm, khó kiểm soát hơn. Với tinh thần vừa có kế thừa và vừa có đổi mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo phương châm “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của Nhân dân”.

Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta đã nhanh chóng duy trì phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”.

Thực hiện thành công "chiến lược" ngoại giao vaccine

Việt Nam phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử
Việt Nam phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.

Cách đây 03 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho 75 triệu người dân Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, sau thời gian chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ lưỡng, chúng ta chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này, với 150 triệu mũi tiêm cho 75 triệu người dân trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp thành lập Quỹ vaccine; tiến hành ngoại giao vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.

Đến cuối tháng 12, gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều, tăng khoảng 4 lần, và hơn 80% được tiêm 2 liều, tăng hơn 21 lần so với cuối tháng 08/2021 (cập nhật số liệu ngày 25/12). Việc tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 cũng đang được khẩn trương triển khai.

Dấu ấn ngoại giao Việt Nam

Năm 2021 là năm quan hệ quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo và linh hoạt, ngành Ngoại giao Việt Nam đã có thay đổi, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đã đặt ra.

Đáng chú ý, với các hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, Việt Nam đã đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của quốc tế, vừa tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị cho công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí methane vào năm 2030 so với năm 2020. Cam kết này khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Duy trì tăng trưởng dương, phục hồi phát triển kinh tế

Dù trải qua năm 2021 đầy biến động bởi Covid-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều “điểm sáng”. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm khởi sắc, GDP quý IV ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, đưa tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2,58%.

Sản xuất công nghiệp khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách Nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng và bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lập kỷ lục mới, đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và là quốc gia xuất siêu liên tục 6 năm.

Những kết quả đạt được trong năm 2021 tạo nền tảng quan trọng để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.

Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới lập kỷ lục

Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11/2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản.

Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020. Năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.

Tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup

Tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup
Tuyển Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup

Sau khi trải qua 8 trận đấu tại vòng loại 2 World Cup 2022 khu vực Châu Á, tuyển Việt Nam giành được 17 điểm và đứng nhì bảng G. Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo là 1 trong 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 bên cạnh tuyển Trung Quốc, Iraq, Lebanon và Oman.

Trong vòng 02 năm không tham dự nhiều giải đấu vì dịch bệnh, chiến tích mới của tuyển Việt Nam một lần nữa làm thỏa mãn người hâm mộ và duy trì chuỗi mạch thành công dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc.

Bóng đá Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế “anh cả” khu vực và đang tiến gần đến đẳng cấp châu lục. Đó là thứ đẳng cấp được định hình qua rất nhiều gian truân, hun đúc từ những thất bại để tạo nên tập thể bản lĩnh, cứng cỏi và rất khó bị đánh bại hôm nay.

Nghệ thuật Xòe Thái chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Theo đó, Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 17h11 ngày 15/12 tại Pháp.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Học sinh Việt Nam giành được nhiều thành tích trong các cuộc thi quốc tế

Bất chấp khó khăn do Covid-19, học sinh Việt Nam vẫn giành được thành tích đáng ngưỡng mộ trong các cuộc thi quốc tế. Cụ thể:

Tại Kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2021 (IJSO), Việt Nam có 04 học sinh đạt Huy chương vàng, hai học sinh giành huy chương bạc; Tại Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO 2021) đoàn học sinh Việt Nam giành được 6 huy chương bạc và 6 giải đồng môn Toán. Với môn Khoa học, đội tuyển Việt Nam giành 03 huy chương bạc và 7 đồng;

Tại Kỳ thi Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn 2021 (IOM), học sinh Hà Nội giành 01 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và hai giải đồng đội; Tại Kỳ thi Olympic vật lý quốc tế 2021 (IPhO 2021), đội tuyển Việt Nam giành tới 03 huy chương vàng, 02 huy chương bạc;

Tại Kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý Thiên văn lần thứ 14 (IOAA 14), đoàn Việt Nam đã lập được thành tích chưa từng có với 02 huy chương vàng, 01 huy chương bạc và 02 huy chương đồng;…

Lần đầu tiên đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào hoạt động từ ngày 01/07/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.

Cùng với việc hoàn thành mục tiêu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, lần đầu tiên thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa và đưa vào hệ thống liên thông phục vụ quản lý Nhà nước, cũng như giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hướng hiện đại, tiện ích và tiết kiệm.

Tâm An