Bài 1: Bắc Ninh về Nhất
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, dòng vốn đầu tư toàn cầu có xu hướng giảm; song Việt Nam vẫn trở thành điểm sáng về thu hút nguồn vốn FDI. Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu: Tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,12 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 2,8 lần cùng kỳ.

Thành phố Bắc Ninh
Môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại
Nhờ những nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, Bắc Ninh đã trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư hàng đầu cả nước.
Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, đã góp phần đưa Bắc Ninh vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp, thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong nhiều năm liền.
Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động tại chỗ và nhập cư lớn, Bắc Ninh đã khẳng định được vị thế của mình - là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Năm 2024, thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc, không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư, mà làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn, càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất lượng trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.

Thành phố Từ Sơn
Nếu tính riêng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm thì, Bắc Ninh đứng thứ nhất với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt gần 4,84 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư; Hải Phòng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 4,52 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm; Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng số vốn đầu tư là 2,87 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Vương Quốc Tuấn chia sẻ:
“Năm 2024, thu hút đầu tư của tỉnh đạt kết quả ấn tượng với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tổng nguồn vốn thu hút đầu tư năm 2024 vào các khu công nghiệp và lĩnh vực công nghiệp, có tỷ lệ giải ngân lên đến hơn 90%, nâng giá trị thu hút đầu tư FDI của tỉnh lên hơn 30 tỷ USD, đứng thứ 6 toàn quốc, góp phần duy trì giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc.
Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã chủ động và quyết liệt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng và hiệu quả: Tổ chức các đoàn công tác cấp cao đi thăm và làm việc tại nhiều quốc gia có tiềm năng đầu tư lớn (Mỹ, Cuba, Italy, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ...) nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới.

Bắc Ninh là thủ phủ khu công nghiệp phía bắc
Đồng thời, Bắc Ninh tích cực tiếp đón và làm việc với các đoàn công tác, doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương. Nhờ những nỗ lực trên, vị thế của tỉnh Bắc Ninh trên bản đồ đầu tư đã được nâng cao đáng kể”.
Bắc Ninh đã thu hút mạnh mẽ vốn FDI năm 2024. Không chỉ số lượng dự án tăng trưởng vượt bậc, mà chất lượng đầu tư cũng được nâng cao với sự tham gia của các “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ngay tháng 1/2025 - “thủ phủ công nghiệp” Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về hút vốn FDI. Trong tháng, vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so cùng kỳ 2024. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với 1,39 tỷ USD, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ và chiếm 32,2% tổng vốn FDI cả nước thu hút.

Bắc Ninh là thủ phủ khu công nghiệp phía bắc
Đổi mới mạnh mẽ các phương thức
Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã đổi mới mạnh mẽ các phương thức, nhờ đó, đem lại hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư. Cụ thể là:
i/Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác với các quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phương, đơn vị, nhằm nâng cao vị thế của tỉnh;
ii/Thành lập các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh, thực hiện xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại nhiều quốc gia như Mỹ, Cuba, Monaca, Ytaly, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ…
iii/Tổ chức tiếp và làm việc với đoàn công tác các nước, các doanh nghiệp nước ngoài thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Bắc Ninh: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Azerbaijan, Kazakhstan tại Việt Nam; Tổng thống Timor - Leste;
iiii/Tổ chức điều hành Doanh nghiệp Vì an ninh quốc gia (Hoa Kỳ)…
iiiii/Gặp mặt tổ hợp Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Goertek, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam… tiêu biểu nhằm chia sẻ, giải quyết những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp.
Từ tháng 10/2024, tổ chức gặp mặt doanh nhân hàng tháng, theo Kế hoạch số 344/KH-UBND ngày 25/9/2024 với thông điệp “Kết nối niềm tin, cùng doanh nhân tiến bước”.

Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, có 16 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2030, với tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển khu công nghiệp được duyệt là 6.397,68 ha (gồm 27 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp).
Hiện tại, có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với 23 dự án. Trong đó:
21 dự án đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 1 dự án chưa triển khai (Khu công nghiệp Thuận Thành III - Phân khu C, 1 dự án không do Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đầu tư là dự án phân khu Tân Hồng - Hoàn Sơn);
4 khu công nghiệp còn lại với 4 dự án (trong đó 3 dự án đã triển khai và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 1 dự án chưa triển khai là Khu công nghiệp An Việt, Quế Võ), diện tích đất đã thực hiện quy hoạch là 6.358,11 ha. Diện tích đất đã thu hồi để thực hiện các dự án trên 5.393,11 ha. Diện tích đất công nghiệp đã đưa vào sử dụng (cho thuê) 2.657,89 ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân trên diện tích đất quy hoạch, của các khu công nghiệp đã được thành lập, đạt 61,01%.
Bắc Ninh cũng đã tích hợp bổ sung 5 khu công nghiệp mới, điều chỉnh vị trí 1 khu công nghiệp vào Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đầu tư hạ tầng, nâng tầm các khu công nghiệp Bắc Ninh
Một số khu công nghiệp mở rộng diện tích - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023, với tổng diện tích khoảng 1.805 ha, gồm các khu công nghiệp:
Quế Võ, mở rộng diện tích khoảng 150 ha; Lương Tài 1, diện tích khoảng 245 ha; Lương Tài 2, diện tích khoảng 495 ha; Đô thị và Dịch vụ Lương Tài, diện tích khoảng 665 ha; Gia Bình 1, diện tích khoảng 250 ha.
Đã huyển đổi vị trí Khu công nghiệp Hanaka, diện tích 55,29 ha, từ phường Trang Hạ và phường Đồng Nguyên (thành phố Từ Sơn), sang Khu công nghiệp Gia Bình II (huyện Gia Bình).
Đề ra một số giải pháp trọng tâm
Với mục tiêu nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Ninh đề ra một số giải pháp quan trọng.
Theo đó, để hoạt động đầu tư tiếp tục phát huy hiệu quả đối với phát triển kinh tế - xã hội, thu hút FDI của Bắc Ninh, theo hướng:

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư FDI
Tăng chất lượng, hiệu quả cao và đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của tỉnh, có sự cam kết về chuyển giao công nghệ thích hợp với từng ngành, từng dự án, cam kết về điều kiện tiền lương cho lao động, đóng góp tốt cho ngân sách địa phương, phát triển đội ngũ lao động có kỹ năng cao;
Ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghệ sạch ít gây ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm lớn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên hướng tới phát triển bền vững.
Các ngành khuyến khích đầu tư, gồm công nghệ thông tin, điện tử, vi điện tử, công nghệ sinh học, du lịch, y tế, giáo dục & đào tạo, dịch vụ giải trí…; thu hút các dự án FDI gắn với nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tỉnh khuyến khích thu hút vào ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giảm chi phí đầu vào về nguyên - phụ liệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, sản xuất trong nước.

Định hướng thu hút đầu tư nguồn vốn FDI: Tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, tạo giá trị gia tăng lớn trên đơn vị sản phẩm; phấn đấu phát triển thành các cụm ngành công nghiệp điện tử, đưa Bắc Ninh là trung tâm đầu tư công nghệ cao của cả nước.
Về địa bàn đầu tư, trong những năm tới, dự báo vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào những địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý: Các huyện Tiên Du, Từ Sơn, Quế Võ, Yên Phong và thành phố Bắc Ninh; hướng thu hút FDI đến những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn như Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành.
Bắc Ninh chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia (TNCs). Việc thu hút các TNCs, được khuyến khích theo 2 hướng: Thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao, đảm bảo môi trường và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để một số tập đoàn đa quốc gia (TNCs) xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
Tỉnh tiếp tục quy hoạch, thực hiện phát triển hạ tầng giao thông: Thu hút các nguồn lực đầu tư, thông qua xã hội hóa theo hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT); kêu gọi các nhà đầu tư để thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh, kết nối với các tuyến quốc lộ, kết nối khu vực phía bắc và phía nam sông Đuống, theo quy hoạch đã được duyệt (giai đoạn đầu tập trung phát triển hệ thống giao thông phía nam sông Đuống).
Phát triển hệ thống cấp điện, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục của doanh nghiệp, phù hợp với tình hình thực tế và có sự trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất đặc thù; quy hoạch, đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước trong các khu công nghiệp tập trung, khu vực dân sinh, khu vực có mật độ doanh nghiệp đầu tư lớn; tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong các khu công nghiệp tập trung.

Quan họ Bắc Ninh
Bắc Ninh tiếp tục triển khai thực hiện đề án nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng đào tạo chuyên môn, tay nghề kết hợp với đào tạo phẩm chất, con người (đạo đức, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật…); khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo; khuyến khích sự liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề để tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu.
Xúc tiến đầu tư - là công tác của mọi ngành, mọi cấp, cần được nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả, hợp lý. Theo đó, tỉnh triển khai xúc tiến đúng trọng tâm, bám sát nhu cầu thực tế của địa phương; chú trọng việc chuẩn bị mặt bằng và các cơ sở hạ tầng khác cho các dự án đang xúc tiến, cũng như việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động của các dự án đã đầu tư vào tỉnh.
Bắc Ninh kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch, tại các nước có tiềm năng về thương mại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU, Bắc Mỹ, ASEAN, các nước có tiềm năng về du lịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bắc Mỹ, Nga; kết hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh lân cận (Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng).
Công tác xúc tiến đầu tư, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng hình thức trực tiếp liên hệ, tiếp xúc với các đối tác, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới để giới thiệu điều kiện, môi trường đầu tư của tỉnh.
Công khai, minh bạch thông tin đầu tư, quảng bá hình ảnh - marketing địa phương, trên các trang web của tỉnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, Công thông tin doanh nghiệp và đầu tư tỉnh Bắc Ninh, Báo Bắc Ninh, các khu công nghiệp…

Quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản Văn hóa
Đối với quản lý nhà nước tại địa phương, trong hoạt động FDI, Bắc Ninh tiếp tục triển khai:
Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch;
Hỗ trợ ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù theo Nghị quyết số 24/2011/NQHĐND ngày 29/9/2011 của HĐND tỉnh; xây dựng cơ chế phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt, giữa cơ quan cấp tỉnh, nhà đầu tư và chính quyền địa phương, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư khi đi vào hoạt động ổn định;
Thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp FDI để giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đồng thời ngăn ngừa doanh nghiệp hoạt động trái pháp luật;
Kiên quyết rút giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án, doanh nghiệp FDI không triển khai, chậm triển khai dự án, hoạt động không hiệu quả, vi phạm giấy chứng nhận đầu tư và quy định của Nhà nước…

Du lịch Bắc Ninh
Trong thời kỳđổi mới, mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài - được coi là một trong những biện pháp khai thác ngoại lực nhằm thúc đẩy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư nước ngoài - là một bộ phận quan trọng trong chính sách kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài - nhiệm vụ có tính lâu dài, gắn liền với công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Thủy Hương